Nga bị tấn công kinh tế toàn diện vì Ukraine
Phát biểu tại Washington khi công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga hôm 29/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo: "Nếu Nga vẫn tiếp tục đi theo con đường hiện nay, thì cái giá mà Moscow phải trả sẽ còn tiếp tục tăng. Hành động của Kremlin ở Ukraine và các biện pháp mà chúng tôi đã áp dụng sẽ làm cho nền kinh tế Nga suy yếu hơn”.
Tổng thống Obama công bố các lệnh trừng phạt Nga tại Washington hôm 29/7. |
Trong khi đó, theo Reuters, tại Brussels, đại diện từ 28 quốc gia thành viên khối Liên minh châu Âu đã nhất trí hạn chế các giao dịch thương mại với Nga về các trang thiết bị cho ngành dầu khí, quốc phòng, và những công nghệ phục vụ được cho cả mục đích dân sự và quân sự. Các ngân hàng nhà nước Nga sẽ bị cấm huy động vốn trên thị trường vốn châu Âu. Các biện pháp này sẽ được xem xét lại trong vòng ba tháng.
Mặc dù trước đó từng do dự về các biện pháp trừng phạt Nga, nhưng hôm 29/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định những biện pháp mới nhất của EU với Nga là không thể tránh khỏi.
Trước đây châu Âu đã áp đặt trừng phạt với Nga nhưng chỉ đối với một số cá nhân và tổ chức cụ thể, được cho là có liên hệ đối với các chính sách đối ngoại của Nga ở Ukraine.
EU và Mỹ hy vọng rằng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ trên sẽ khiến cho Tổng thống Nga Vladimir Putin phải nhượng bộ trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Để giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt Nga đối với nền kinh tế châu Âu, các lệnh trừng phạt mới sẽ không ảnh hưởng đến các hợp đồng trước đó, có nghĩa là Pháp sẽ được phép giao tàu sân bay trực thăng theo thỏa thuận mua bán trước đó với Nga. Ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga cũng bị trừng phạt nhưng khí đốt tự nhiên, một nguồn năng lượng mà châu Âu đang rất cần, không nằm trong lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi việc một số nước và công ty của châu Âu sẽ phải hứng chịu hậu quả của những biện pháp trừng phạt trên. Tập đoàn năng lượng khổng lồ BP của Anh, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nga với gần 20% cổ phần tại tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga là Rosneft, đã phàn nàn rằng nền kinh doanh của họ sẽ bị tổn hại.
Các trung tâm dịch vụ tài chính của London sẽ bị ảnh hưởng do ngân hàng Nga bị trừng phạt. Các công ty sản xuất của Đức có thể mất khách hàng. Ngoài ra còn rất nhiều thiệt hại khác mà châu Âu sẽ phải hứng chịu khi trừng phạt Nga.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Reuters của Anh, một trong những hãng tin lớn nhất thế giới.