Nếu sở hữu S-400, Trung Quốc sẽ thành "vương" ở biển Hoa Đông
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 được khai hỏa vào ban đêm tại Ashuluk, Nga |
Theo WantChinaTimes, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Công nghệ và Chiến lược Mát-xcơ-va cho biết Nga đã bắt đầu đàm phán với Trung Quốc về việc cung cấp hệ thống tên lửa đạn đạo phòng không S-400 ngay từ cuối năm ngoái. Theo kế hoạch, Nga có thể cung cấp hệ thống S-400 cho Trung Quốc vào năm 2017.
Hiện nay, nhà sản xuất hệ thống tên lửa phòng không S-400 đang hoạt động hết công suất nhằm cung cấp một lượng lớn đơn đặt hàng từ quân đội Nga và một số khách hàng nước ngoài.
Giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc sở hữu hệ thống S-400 sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngoài ra, hệ thống phòng không S-400 sẽ tăng khả năng chiến đấu của Trung Quốc trước sự hiện diện ngày càng lớn của quân đội Mỹ trên đảo Okinawa, Nhật Bản. Cho tới nay, vũ khí lợi thế duy nhất của Mỹ là các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 gồm F-22 và F-35.
Hệ thống S-400 cũng sẽ giúp Bắc Kinh kiểm soát toàn bộ không phận quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư – chuỗi đảo hoang trên vùng Biển Hoa Đông nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản nhưng cả Đài Loan và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền.
Được thiết kế với mục tiêu bảo vệ hiệu quả các cơ sở chính trị, hành chính, kinh tế và quân sự, hệ thống phòng không S-400 có thể tấn công chính xác các mục tiêu trên không bay với tốc độ tối đa 4,8 km/giây và các tên lửa đạn đạo không chiến lược trong tầm bắn 60 km. Thời gian phản ứng trước các mục tiêu chiến đấu chỉ trong vòng 5 phút.
Trong khi đó, thời gian cung cấp hàng cho Trung Quốc hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình sản xuất hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga và hiện nay, tiến độ hợp đồng đang chậm hơn so với kế hoạch.
Khả năng Nga chỉ có thể trang bị hệ thống S-400 cho 8 tiểu đoàn thuộc lực lượng Không quân nước này vào năm 2015 - ít hơn một nửa so với kế hoạch ban đầu. Bởi quá trình thử nghiệm các tên lửa tầm xa 40N6 và tầm trung 9M967 – bộ phận quan trọng trên hệ thống S-400 vẫn chưa hoàn thành.