Nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên (II)
![]() |
Thực lực quân đội Hàn Quốc
Số liệu mà tờ “Polit.ru” của Nga công bố cho biết, Hàn Quốc hiện có dân số đông gấp 2 lần Triều Tiên (49 triệu người) nhưng lại có số lượng binh sỹ chỉ bằng một nửa (650 ngàn binh sỹ chuyên nghiệp và 4,5 triệu quân dự bị).
Phiên chế trong quân đội Hàn Quốc có khoảng 11.000 hệ thống pháo cao xạ hiện đại, 2.500 xe thiết giáp, 2.800 xe tăng (trong đó có 1.500 xe tăng K1, tương đương loại M1 Abrams của Mỹ) cũng như các xe tăng T80U của Nga và M48 của Mỹ. Lính bộ binh Hàn Quốc được trang bị súng tự động Deawoo K1 và từ năm 2010, quân đội nước này được trang bị thêm các tổ hợp phóng lựu hiện đại nhất S&T Daewoo K11.
Lực lượng phòng không được trang bị 600 máy bay, trong đó có loại tiêm kích F-16C/D của Mỹ cũng như 350 máy bay trực thăng AH-1 Cobra, CH-47 Chinook và UH-60 Blackhawk… Hạm đội hải quân có 170 tàu, trong đó có 12 tàu khu trục có tên lửa dẫn đường, 9 chiến hạm, 20 tàu dẫn đường và 26 tàu ngầm. Có thể thấy, quân đội Hàn Quốc nhờ có vũ khí thông thường mới và chất lượng tốt để bù lại sự vượt trội về số lượng binh sỹ của Triều Tiên.
Những kịch bản có thể xảy ra
Tuy nhiên, các chỉ số của quân đội Hàn Quốc không được đánh giá tách rời với quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ với Mỹ. Tháng 3/2012, tướng James Truman – chỉ huy các lực lượng thống nhất của Mỹ và Hàn Quốc trong bản báo cáo gửi Ủy ban quân lực thuộc Quốc hội Mỹ đã nhấn mạnh rằng, mục đích hợp tác giữa hai nước là hoàn thiện việc đào tạo cho quân đội Hàn Quốc, giảm vai trò bộ binh và biến quân đội Hàn Quốc thành lực lượng quân sự độc lập có khả năng gây ảnh hưởng “trên cấp độ toàn cầu”.
Chiến lược của lực lượng Mỹ và Hàn Quốc được tuyên bố là nhằm phòng thủ. Theo tính toán của các chuyên gia quân sự Mỹ, giả định khả năng Triều Tiên đã sở hữu được đầu đạn hạt nhân và phương tiện phóng khi chiến tranh nổ ra nhưng việc sử dụng vũ khí hạt nhân ngay khi vừa bắt đầu xung đột là rất ít có thể.
![]() |
Giả sử, Triều Tiên chủ động tấn công Hàn Quốc trước, họ sẽ sử dụng vũ khí thông thường và lên kế hoạch hành động dựa trên “Lý thuyết trận chiến sâu” của Liên Xô. Chiến lược này đề xuất cuộc tấn công nhanh chóng, ồ ạt vào sâu bên trong hệ thống phòng thủ của đối phương bằng đại bác và máy bay sau đó các đơn vị cơ giới hóa tự động cao sẽ nhanh chóng tiến vào chọc thủng hệ thống phòng ngự khác. Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược này Triều Tiên lại không thể đạt được “sự vượt trội trên không” cần thiết như tính toán của chuyên gia quân sự Liên Xô.
Các chuyên gia Mỹ cho rằng, Bình Nhưỡng có thể bù đắp sự yếu kém về không quân bằng lực lượng đại bác cực lớn. Trong khi đó, nhiệm vụ chính của hải quân Triều Tiên chỉ là bảo vệ đường bờ biển và ngăn chặn sự đổ bộ của lính thủy đánh bộ. Ngược lại, Triều Tiên sẽ phải đối mặt với sự hỗ trợ của hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ, đồn trú tại quốc gia láng giềng Nhật Bản.
Giả sử, Seoul – thủ đô Hàn Quốc cách biên giới chỉ 50km có thể trở thành mục tiêu đầu tiên của cuộc “tấn công thần tốc”. Tháng 7/1950, quân đội Triều Tiên đã giành được Seoul chỉ sau một tuần tấn công nhưng khi đó vũ khí Liên Xô, đặc biệt là xe tăng và đại bác đã tạo cho Triều Tiên một khả năng vượt trội so với quân đội được vũ trang kém của Hàn Quốc. Một trong những nhân tố quyết định thành công là cuộc tấn công dữ dội bằng pháo kích mở đường. Quân đội Mỹ khi đó đã phải vất vả trong vòng một tháng mới đánh bật được quân đội Triều Tiên ra khỏi Seoul.
Trong bối cảnh hiện nay, sự vượt trội rõ ràng về mặt kỹ thuật của quân đội Hàn Quốc và Mỹ sẽ không cho phép quân đội Triều Tiên củng cố chiến thắng dù trong một thời gian rất ngắn trên giới tuyến lãnh thổ Hàn Quốc. Sự hỗ trợ quân sự to lớn của Trung Quốc hoặc Nga vào thời điểm hiện tại không được xem xét một cách nghiêm túc, nếu không muốn nói là không thể xảy ra vì cả Bắc Kinh và Moscow đều không muốn biến một cuộc chiến tranh khu vực thành một cuộc đại chiến thế giới mới.
Tuy nhiên, giả định Triều Tiên có vũ khí hạt nhân khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Kịch bản thứ nhất: Nếu Triều Tiên sử dụng loại vũ khí giết người hàng loạt này, gần như chắc chắn họ sẽ gặp thất bại. Giả thuyết này đã được báo chí phương Tây thảo luận nhiều lần. Khi mà Triều Tiên thất bại trong việc sử dụng đòn tấn công hạt nhân, Mỹ sẽ có cớ để mở một cuộc tấn công ồ ạt vào Triều Tiên để đáp trả.