Thúc đẩy sử dụng nền tảng Em Vui cho học sinh Quảng Trị
Ngày 25/9, buổi truyền thông thúc đẩy sử dụng nền tảng Em Vui đã diễn ra tại trường Phổ thông dân tộc THCS Húc, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị. Hoạt động này nằm trong giai đoạn 3 của kế hoạch thúc đẩy sử dụng nền tảng trực tuyến Em Vui thuộc khuôn khổ dự án “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số - Dự án Em Vui” do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) phối hợp tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện, với sự đồng tài trợ của Liên minh châu Âu và tổ chức Plan International Bỉ.
Tại buổi truyền thông, các em cùng nhau trao đổi, chia sẻ cùng với cán bộ dự án về những chủ đề xung quanh phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người. Nhiều câu hỏi được đưa ra như rủi ro nào dẫn đến tảo hôn, rủi ro nào dẫn đến mua bán người, hậu quả của tảo hôn là gì, khi em bị bắt ép lấy chồng/lấy vợ sớm thì em phải báo cáo với ai hoặc tìm ai giúp đỡ, thủ đoạn của kẻ mua bán người là gì, ai có thể trở thành đối tượng thực hiện hành vi mua bán người, ai có thể trở thành nạn nhân mua bán người, kỹ năng ứng phó khi bị bắt cóc hoặc bị nhốt, mục đích của kẻ mua bán người là gì…
Sau khi tìm hiểu các thông tin từ nền tảng Em Vui, em M.H, một học sinh ở xã Húc hiểu rằng người yêu quen trên mạng cũng có thể trở thành kẻ mua bán người. “Nếu gặp người quen trên mạng, em sẽ rủ các bạn khác đi cùng, chọn quán cà phê có đông người qua lại và báo cho bố mẹ trước khi đi”, nữ sinh này cho hay.
Cũng trong khuôn khổ buổi truyền thông, ngoài nội dung về tảo hôn và phòng chống buôn bán người, các em học sinh cũng được hướng dẫn cách thức tham gia và sử dụng nhuần nhuyễn các chức năng của nền tảng Em Vui, thực hành tương tác trực tiếp trên 6 kênh mạng xã hội của dự án Em Vui bao gồm Facebook, Youtube, Zalo, Tik Tok, Twitter và Instagram, tất cả đều mang tên #DuAnEmVui.
Bên cạnh đó các em còn được xem một trong các tập phim trong bộ phim hoạt hình “Hành trình của Mỉ” – một sản phẩm giáo dục truyền thông của nền tảng Em Vui và cùng nhau trả lời các câu hỏi trong phần chơi vui. Phần tương tác này được tổ chức như một cuộc thi ngay trên nền tảng Em Vui giữa hai đội.
Sau đó các em được tham gia chơi trò chơi giải câu đố để tìm đáp án cuối cùng. Với những kiến thức, thông tin nằm trong nền tảng Em Vui, các câu hỏi được các em lần lượt trả lời một cách chính xác và đáp án cuối cùng đã được tìm ra rất nhanh chóng.
Phần tiếp theo các em được hướng dẫn tham gia hoạt động đối thoại chính sách – điều em muốn nói của dự án Em Vui. Mục tiêu của phần đối thoại là nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trong việc hiểu và vận động quyền, trong đó, nhấn mạnh việc thanh thiếu niên hiểu đầy đủ về quyền của bản thân, trang bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ và tự tin bảo vệ mình trước vấn nạn tảo hôn và phòng chống mua bán người để có thể lớn lên một cách an toàn và mạnh khỏe.
Khi có câu hỏi, thắc mắc, mong muốn… các em sẽ viết lên những mẩu giấy vàng nhỏ và dán vào giấy A0 trong lớp học. Sau một khoảng thời gian rất ngắn, gần 100 câu hỏi thắc mắc về chủ đề phòng chống tảo hôn và chủ đề phòng chống mua bán người đã được các em chia sẻ. Dự án sẽ tổng hợp những câu hỏi, thắc mắc của các em và sẽ giải đáp trong phiên tiếp xúc diễn đàn đối thoại trong giai đoạn tiếp theo của dự án.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), thành viên BQL dự án Em vui cho biết, trong thời gian tới, hoạt động thúc đẩy sử dụng nền tảng Em Vui (giai đoạn 3) sẽ được triển khai tại toàn bộ 52 xã thuộc địa bàn của dự án thuộc 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị.
Một số hình ảnh khác nằm trong chuỗi hoạt động thúc đẩy sử dụng nền tảng Em Vui tại huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị:
N. Huyền