Nền kinh tế lớn nhất châu Âu gặp khó, chuẩn bị kế hoạch vay nợ 'khủng'
Reuters trích dẫn thông tin từ Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho hay, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức sẽ từ bỏ chính sách “số 0 đen” và dự định vay khoản tiền kỷ lục trong năm tới.
Theo đó, vào năm 2021, Berlin có kế hoạch vay 100 tỉ euro để chống lại hậu quả của đại dịch Covid-19. Do đó, các dự định phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 80 tỉ euro trước đây đã được tăng thêm một phần tư.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào mức nợ kỷ lục. (Ảnh minh họa) |
Theo Reuters, nền kinh tế Đức đang trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1970. Trong quý 2, kinh tế Đức giảm 10,1% so với giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3. Chính phủ Đức đã buộc phải khởi động các chương trình hỗ trợ quy mô lớn nhằm trợ cấp cho các công ty với cam kết “có đi có lại” để duy trì việc làm người dân.
Việc thực hiện kế hoạch tăng vay nợ của chính phủ Đức đồng nghĩa với việc từ bỏ chính sách “số 0 đen” đã được thực hiện trong hầu hết thập kỷ trước. Điều này ngụ ý Đức sẽ từ chối phát hành một khoản nợ công mới và mong muốn duy trì thặng dư ngân sách, trong đó các chi phí được tài trợ bằng các nguồn thu, bao gồm cả thuế.
Theo các chuyên gia, cách tiếp cận này đã bị chỉ trích nhiều lần, tần suất tăng lên ngày càng rõ rệt khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo nhiều nhà kinh tế và chính trị gia Đức, mong muốn tránh các khoản vay mới bằng bất cứ giá nào làm giảm tiềm năng phát triển của nền kinh tế quốc gia, vốn có thể được kích thích bởi chi tiêu ngân sách bổ sung.
Trước đó, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB), bà Carmen Reinhart cho rằng nền kinh tế thế giới có thể phải mất 5 năm để phục hồi hoàn toàn từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Bà Reinhart cho biết cuộc suy thoái do đại dịch gây ra sẽ kéo dài ở một số nước hơn những nước khác, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Bà Reinhart đưa ra dự đoán, các quốc gia nghèo nhất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi cuộc khủng hoảng, và việc phục hồi hoàn toàn sẽ mất nhiều năm, ít nhất là 5 năm. Ngoài ra, bà Reinhart cho rằng, lần đầu tiên sau 20 năm, mức độ nghèo đói trên thế giới sẽ tăng lên sau cuộc khủng hoảng.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tổng thiệt hại đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ lên tới 7 nghìn tỉ USD vào cuối năm 2021 do đại dịch Covid-19 gây ra. Tổ chức này đã cho rằng GDP thế giới giảm 4,5% trong năm nay chứ không phải 6% như dự đoán trước đó. Đồng thời, OECD nhận định, nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 5% trong năm 2021.
Tuy nhiên, trong trường hợp đại dịch Covid-19 tái bùng phát khiến chính phủ các nước buộc phải tái áp đặt các lệnh hạn chế, tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2021 có thể sụt giảm 2-3% so với mức dự báo. Cũng theo OECD, triển vọng tươi sáng về tăng trưởng kinh tế cũng sẽ không đồng đều trong các nền kinh tế lớn.
Nghị viện Châu Âu ‘lớn tiếng’ kêu gọi dừng xây dựng Nord Stream 2
Hôm 17/9, Nghị viện Châu Âu (EP) đã thông qua một nghị quyết về vụ việc liên quan đến lãnh đạo đối lập Alexei Navalny nghi bị đầu độc và kêu gọi dừng việc xây dựng Nord Stream 2.
Thanh Bình (lược dịch)