Né tránh cung cấp thông tin là nhận thức chưa đầy đủ
![]() |
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn phát biểu tại hội nghị. |
Thưa Thứ trưởng, Quyết định 25 được ban hành cùng Quy chế phát ngôn mới, xin ông nói rõ hơn về quyền cung cấp thông tin của cá nhân, tổ chức trong Quyết định này?
Thật ra cần phải hiểu Quyết định 25/2013/QĐ-CP và Quyết định 77 trước đây về vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí. Quyết định 25 xác định trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước. Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Trong quy định đã thể hiện rất rõ. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện kể cả 5 năm trước đây thực hiện Quyết định 77 và thực hiện quyết định này. Nếu như chúng ta nhận thức không đầy đủ về vấn đề cung cấp thông tin rất dễ dẫn đến tình trạng né tránh, đùn đẩy trong việc cung cấp thông tin.
Việc cung cấp thông tin thường xuyên cho báo chí theo quy định Điều 8 Luật Báo chí rất rõ. Mọi tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Như vậy có nghĩa là mọi tổ chức, cá nhân khi báo chí cần tiếp cận nội dung gì, cá nhân tổ chức đều phải có quyền và nghĩa vụ cung cấp những thông tin đó, những điều mà tổ chức cá nhân đó nắm được, hiểu được, biết được.
Ví dụ, các bạn có thể hỏi tôi bất cứ điều gì mà tôi biết, tôi trả lời với tư cách cá nhân. Tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung mà tôi cung cấp. Khi tôi nhân danh một cơ quan hành chính Nhà nước trả lời về vấn đề nào đó mà xã hội quan tâm, mọi người quan tâm thì tôi phải tuân thủ quy định tại Quyết định 25. Có nghĩa thông tin đó là thông tin chính thức của cơ quan hành chính nhà nước cung cấp cho xã hội, cho mọi người.
Nên phải nhận thức đầy đủ điều đó, có trường hợp cơ quan báo chí đến gặp một cán bộ nào đó, hoặc bất cứ người nào, nhiều người lại nói việc cung cấp thông tin đã có Người phát ngôn. Hai việc này hoàn toàn khác nhau. Khi người phát ngôn cung cấp thông tin là thay mặt cơ quan Nhà nước cung cấp những thông tin chính thống của bộ ngành, cơ quan hành chính đó còn các tổ chức cá nhân cũng có quyền chung cấp thông tin về những vấn đề mà người ta biết. Người ta chịu trách nhiệm pháp luật trước vấn đề người ta cung cấp.
Theo tôi đây là vấn đề cốt lõi, chính việc thực hiện tốt hay không tốt trong thời gian qua cũng ở vấn đề này.
Quy chế phát ngôn ban hành kèm theo Quyết định 25 quy định như thế nào về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, thưa Thưa trưởng?
Trách nhiệm đầu tiên là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Người đứng đầu cơ quan nhà nước có quyền ủy quyền, có thể cho cấp phó của người đứng đầu. Hoặc là cho người có đầy đủ khả năng trình độ năng lực để cung cấp phát ngôn và thông tin cho báo chí. Nhưng toàn bộ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí là thay mặt người đứng đầu. Cho nên, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những nội dung mà người phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí đã cung cấp.
Rõ ràng, dù ủy quyền nhưng trách nhiệm thông tin đó là của người đứng đầu. Ở đây phải xác định 2 cấp độ khác nhau. Người phát ngôn cung cấp thông tin được ủy quyền chịu trách nhiệm trước người đứng đầu. Nhưng thông tin trước xã hội thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Ở đây, quy định trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí ở quyết định này đã rất rõ ràng và có điều chỉnh cụ thể.
Thứ trưởng có thể nói kỹ về chế tài của quy chế phát ngôn mới này được không?
Theo tôi, để đưa hết cả những hành vi vi phạm trong việc thực hiện quy chế phát ngôn vào quyết định này là rất khó. Nhưng quyết định 25 lần này đã đưa ra khung để xử lý. Có nghĩa tổ chức và cá nhân của người cung cấp thông tin cũng như đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh thì bị xử lý từ mức thấp nhất đến mức cao nhất. Còn trách nhiệm của các cơ quan quản lý cụ thể như Bộ TT&TT giúp Thủ tướng triển khai thực hiện Quyết định 25, chúng tôi cũng đã xây dựng nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí xuất bản cũng đã xác định tất cả những hành vi trong khuôn khổ của vấn đề phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Có những loại hành vi gì có thể xảy ra, đi liền với hành vi đó là những chế tài xử phạt.
Quyết định này xây dựng cơ sở để xây dựng khung pháp lý ở văn bản tiếp theo cụ thể để xử lý.
Theo ông có Quyết định 25, ban hành quy chế phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí mới thì tình trạng né tránh phát ngôn có thuyên giảm không, thưa Thứ trưởng?
Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Tôi nghĩ chúng ta từng bước, từng bước, đưa hiệu quả của quy chế này đi vào thực tế cuộc sống. Hiệu quả cung cấp thông tin ngày càng cao.
Thưa Thứ trưởng, trước hôm diễn ra Hội nghị về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, dư luận rất bức xúc về cách họp báo và trả lời họp báo của Bộ Công thương đối với vấn đề giá điện, giá xăng. Ông có bình luận gì về chuyện này?
Như tôi nói, trong vấn đề cung cấp thông tin phát ngôn cho báo chí, cũng như vấn đề đưa thông tin đến công chúng. Vấn đề này là trách nhiệm hợp tác để đưa thông tin cho công chúng. Việc né tránh hay không đáp ứng được những yêu cầu của báo chí về thông tin báo chí quan tâm thì chắc chắn báo chí sẽ đi tìm nguồn thông tin khác. Vì thế, Thủ tướng báo giờ cũng chú trọng vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí. Tất nhiên trong thực tế cũng có những cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt thì trách nhiệm trước hết họ chịu trách nhiệm của cơ quan đó đối với Chính phủ, đối với Thủ tướng.
Nhưng mặt khác, người dân, công chúng hiểu về những vấn đề về nội dung cơ quan đơn vị đó đang thực hiện. Chắc chắn sẽ có những cái khó khăn.
Cung cấp thông tin đúng, đủ, kịp thời chính là tạo ra sự đồng thuận trong xã hội. Nhiều người dân không biết chủ trương tại sao phải như vậy. Nếu ta giải thích đầy đủ, điều kiện, hoàn cảnh, yêu cầu đặt ra. Chắc chắn cũng là dịp cơ quan hành chính đó làm cho tất cả mọi người hiểu rõ: Mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của việc mình đang làm.
Tôi nghĩ ai né tránh tức là vấn đề nhận thức về cung cấp thông tin và nhu cầu thông tin của xã hội chưa đầy đủ. Trong xã hội hiện nay, khi thông tin chính thông không có, người ta sẽ đi tìm nguồn thông tin khác. Không thể né tránh được vì báo chí nhất định phải có thông tin và người dân phải có thông tin.
Chẳng hạn, tôi thay mặt cơ quan Nhà nước nói vấn đề này như thế, ít nhất các đồng chí cũng phải nói lại được với người dân vấn đề là như thế. Còn nếu tôi không nói, các bạn có quyền nói theo ý kiến khác. Mỗi người sẽ hiểu theo một kiểu sẽ tạo ra sự phân tâm. Như vậy mục đích cuối cùng của mình là không đạt được. Cho nên, theo tôi trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan Nhà nước là rất cao.
Xin chân thành cảm ơn ông!