Nắng nóng kỷ lục 56 độ C ở Thung lũng Chết của Mỹ
Thung lũng Chết của Mỹ một lần nữa trở thành nơi nắng nóng nhất hành tinh với mức nhiệt 56 độ C hôm 11/7.
Nắng nóng gay gắt bao phủ khu vực phía tây nước Mỹ và đẩy mức nhiệt tăng lên mức kỷ lục trong 3 ngày liên tiếp tính tới ngày 11/7. Trong đó, Thung lũng Chết ở bang California của Mỹ đạt mức nhiệt 56 độ C và một lần nữa trở thành một trong những nơi nóng nhất trên hành tinh.
Vào cuối tuần qua, nắng nóng oi ả xuất hiện ở khu vực bờ biển Thái Bình Dương và Dãy Rocky ở miền Tây Bắc Mỹ. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho hay, mức nhiệt tăng nhanh trên phần lớn khu vực trên, đồng thời cảnh báo người dân về việc nhiệt độ cao có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nhất là với trẻ em và người già.
Kỷ lục nắng nóng 56 độ C xuất hiện ở Thung lũng Chết của Mỹ. (Ảnh: Reuters) |
“Tôi chỉ muốn đến đây để cảm nhận cái nắng nóng như thế nào”, ông Richard Rader ở thành phố Scottsdale của bang Arizona chia sẻ sau khi đạp xe 16 km dọc Thung lũng Chết hôm 11/7.
Trong khi đó, nhiều du khách cố gắng bước ra khỏi chiếc ô tô có điều hòa chỉ đủ lâu để chụp 1 bức ảnh kỷ niệm bên cạnh cột nhiệt kế và sau đó lập tức trở lại trong xe.
Chính mức nhiệt tăng cao ở phần lớn phía tây bắc Thái Bình Dương đã tạo ra sức ép lớn đối với mạng lưới cung cấp điện. Nắng nóng cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng bao gồm một vụ cháy ở Nam Oregon, gây hư hại nhiều ngôi nhà và làm mất điện ở khu vực.
Tại bang Oregon của Mỹ, đám cháy Bootleg Fire đã mở rộng quy mô lên gấp 3 lần từ ngày 9 – 10/7 với diện tích cháy lên tới 100.000 mẫu (hơn 404.000 m2), theo Cục Kiểm Lâm Mỹ.
Ngoài ra, tại Canada, các đám cháy rừng cũng tiếp tục lan rộng bao gồm hơn 50 đám cháy xuất hiện trong vòng 2 ngày. Chính phủ Canada đã phải thông báo các biện pháp khẩn cấp mới nhằm ngăn chặn xuất hiện thêm các đám cháy khác.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Canada Omar Alghabra tuyên bố hôm 11/7 về việc thi hành các biện pháp khẩn cấp mới như giảm tốc độ và giới hạn hoạt động di chuyển bằng tàu hỏa. Các đoàn tàu hỏa hiện được cho là nguyên nhân phổ biến gây cháy rừng, do những thiết bị hấp thụ tia lửa của tàu không được bảo dưỡng đúng quy trình.
Chính quyền Canada cũng đã điều động các nhà điều tra tới thị trấn Lytton ở tỉnh British Columbia và nằm cách Vancouver về phía đông bắc 250 km, để tìm hiểu có phải một đoàn tàu chở hàng là nguyên nhân dẫn tới vụ cháy lớn vào cuối tháng Sáu, phá hủy 90% thị trấn Lytton hay không. Hiện số người chết trong vụ cháy ở tỉnh British Columbia vẫn chưa được công bố, nhưng khả năng lên tới hàng trăm người.
Chính quyền tỉnh British Columbia cũng cho hay, tính tới sáng ngày 11/7, khu vực này ghi nhận tới 298 vụ cháy và số vụ cháy mới vẫn không ngừng xuất hiện.
Hồi tháng Sáu, nắng nóng kỷ lục nhất từ trước tới nay đã được ghi nhận ở khu vực Bắc Mỹ. Những hoạt động của con người được cho là nguyên nhân đẩy nhiệt độ trên toàn cầu tăng cao, gây ra những cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp, những đợt nắng nóng diện rộng, hạn hán và cháy rừng.
Trước đó, vào tháng Năm, Tổ chức Khí tượng thế giới và Văn phòng Met của Anh cho hay khả năng mức nhiệt trung bình hàng năm trên toàn cầu tạm thời cao hơn mức nhiệt thời tiền công nghiệp là 1,5 độ C trong vòng 5 năm tới.
Và trong vòng 6 năm qua bao gồm năm 2020, thế giới đã chứng kiến 6 đợt nắng nóng kỷ lục.
Nam thanh niên 24 tuổi tử vong vì đi bộ đường dài trong ngày nắng nóng
Một nam thanh niên 24 tuổi ở Hong Kong bị đột quỵ và tử vong khi đang đi bộ đường dài ở khu du lịch vào ngày 3/7 giữa thời tiết nắng nóng.
Minh Thu (lược dịch)