Nâng cao chất lượng dân số với sàng lọc trước sinh, sơ sinh
Dân số Việt Nam đã trải qua giai đoạn kế hoạch hóa gia đình, hiện tại Việt Nam cần nâng cao chất lượng dân số. Với 96,5 triệu người, dân số Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa.
Hội thảo công tác phát triển dân số. |
Những việc cần thực hiện
PGS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết chất lượng dân số chính là chìa khóa để phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc các bạn trẻ chưa có thói quen đi khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng như tỷ lệ thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn nhiều hạn chế.
Việc khám sức khỏe trước khi kết hôn cũng như sàng lọc trước và sau khi em bé chào đời là những việc làm vô cùng quan trọng. Sàng lọc trước kết hôn để giúp các cặp vợ chồng biết họ có mang gene bệnh trong người hay không. Nếu có, các bác sĩ sẽ tư vấn cho các cặp đôi và đưa ra lời khuyên khi họ mang thai. Khi có thai, làm sàng lọc trước sinh sẽ giúp sàng lọc được các bào thai. Phát hiện có dị tật sẽ đình chỉ để hủy thai. Bước tiếp theo là khi em bé được sinh ra, việc lấy máu gót chân đưa đi xét nghiệm, thực hiện khám ban đầu cho bé sẽ giúp phát hiện xem bé có vấn đề gì không, liệu có bệnh lý gì không để có những can thiệp kịp thời, tránh hệ lụy nặng nề về sau.
Đối với dự phòng bước 2, bước 3 (Khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh), giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, người dân đã có khái niệm nhất định về sàng lọc nhưng để hiểu đầy đủ.
Theo thống kê, hàng năm, trên cả nước có hàng triệu thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn. Trong khi đó, theo ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 22.000 - 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Trong số các dị tật, có các bệnh phổ biến như: Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác. Vì vậy, công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh càng trở nên bức thiết hơn.
Mục tiêu về chất lượng dân số
Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra những quan điểm mới, mục tiêu mới đi kèm hệ thống những giải pháp.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình ( Bộ Y tế) cho biết, theo quan điểm chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, cần nhân rộng các mô hình có hiệu quả, tập trung đầu tư ở một số địa bàn trong điểm, từng bước mở rộng và tiến tới phổ cập việc cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, bao gồm giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Đặc biệt quan tâm triển khai cung cấp dịch vụ phát triển sớm nguy cơ phòng ngừa di truyền, các bệnh nguy hiểm ở thai nhi. Trong đó, việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sinh sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất, trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Trước mục tiêu đó, sau 3 năm thực hiện, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh trong 3 năm qua tăng thêm 26%. Trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh cũng tăng lên từ 35% đến 40%. Đặc biệt, mô hình tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn thí điểm từ năm 2003 đến năm 2017 đã được triển khai ở tất cả 63 tỉnh thành với hơn 3.500 xã.
Theo chiến lược đến năm 2030, mục tiêu của ngành dân số là tỷ lệ cặp nam nữ thanh niên được tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 70% năm 2025, 90% số cặp hôn nhân cận huyết thống. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh ít nhất là 4 bệnh di truyền bẩm sinh phổ biến nhất là 50% và đến năm 2030 là 70%.
Tuy nhiên hiện nay việc triển khai cung cấp dịch vụ tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Nhận thức của người dân đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số về lợi ích của chương trình còn hạn chế và chưa chủ động sử dụng dịch vụ. Trong khi đó đầu tư của nhà nước còn hạn chế, chưa có cơ chế để thực hiện xã hội hóa hay huy động được các nguồn lực.
Để đạt được mục tiêu chất lượng dân số, theo ông Tú, cần tăng cường phát triển cơ sở sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh ở các bệnh viện chuyên khoa sản, sản nhi, các bệnh viện đa khoa tỉnh và thành phố. Đến năm 2025 sẽ có ít nhất 35 tỉnh/thành có mô hình này; và đến năm 2030 sẽ mở rộng tới 56 địa phương.
Khánh Chi