Mỹ vừa “nhìn sắc mặt” Nga vừa trấn an đồng minh
Hôm 3/5, các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng, những chính sách cứng rắn của Nga một lần nữa biến châu Âu thành một “Bộ tư lệnh chiến đấu”.
Chủ đề về Nga xuất hiện đậm nét trong lễ nhậm chức của tân Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu Curtis Scaparotti hôm 3/5 vừa qua. Ông Scaparotti cho rằng, trong nhiều thập kỉ qua, nhiệm vụ của Mỹ ở châu Âu là “giữ hòa bình” trong bối cảnh Chiến Tranh lạnh.
Tân Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu Curtis Scaparotti bắt tay người tiền nhiệm của ông,Tướng Philip Breedlove. |
Trong khi đó, người tiền nhiệm của ông Scaparotti, Tướng Philip Breedlove tiếp lời rằng, ông đã cố gắng để ngăn chặn một cuộc Chiến Tranh lạnh mới.
Ông cho hay, điều đó có nghĩa là dù Mỹ vẫn cam kết hợp tác với châu Âu về mặt quân sự trước những mối lo ngại từ Nga, nhưng không thể gọi Moscow là kẻ thù. Và việc tìm ra giải pháp cân bằng 2 mục tiêu đó là một thách thức lớn đối với Mỹ.
Lầu Năm Góc nhiều lần nhấn mạnh rằng họ muốn tăng cường các mối quan hệ với Nga, đồng thời cũng cam kết bảo vệ các đồng minh trước những mối lo ngại từ Moscow.
Hôm 3/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho hay: "Trong ngân sách quốc phòng của chúng ta, trong kế hoạch của chúng ta, trong khả năng của chúng ta và cả trong hành động của chúng ta, chúng ta phải chứng minh với kẻ thù tiềm năng rằng nếu họ bắt đầu một cuộc chiến, chúng ta có khả năng và năng lực để đảm bảo rằng họ sẽ phải hối tiếc. Ngoài ra, một lực lượng có mục tiêu ngăn chặn xung đột phải chứng minh được rằng mình có thể kiểm soát hoàn toàn một cuộc xung đột".
Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter. |
Cụ thể, ông Carter cho hay, Lầu Năm Góc đang sử dụng 3,4 tỷ USD cho “Sáng kiến củng cố an ninh châu Âu” (European Reassurance Initiative), gấp hơn 4 lần so với mức 789 triệu USD hồi năm ngoái. Điều này có nghĩa là châu Âu đang hướng đến một chế độ sẵn sàng chiến đấu cao hơn và sẽ thấy sự hiện diện nhiều hơn của quân đội Mỹ.
Quân đội Mỹ đang lên kế hoạch triển khai thêm một lữ đoàn chiến đấu ở sườn phía đông của châu Âu, thường khoảng 4.000 đến 5.000 binh sĩ, nâng tổng số binh sĩ Mỹ ở châu Âu lên 3 lữ đoàn chiến đấu.
Mỹ cũng tăng cường các hoạt động tuần tra hàng hải bằng máy bay ở GIUK Gap, khu vực biển nằm giữa Greenland, Iceland, Vương quốc Anh ở phía bắc Đại Tây Dương trong bối cảnh tàu ngầm Nga được cho là đang hoạt động mạnh ở Đại Tây Dương.
Cũng theo ông Carter, để đối phó với sự hiện diện của Nga ở Ukraine, Mỹ đang chi nhiều tiền hơn vào các Lực lượng Đặc biệt để tiến hành tập trận và huấn luyện ở châu Âu.
CS Monitor dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho rằng: "Với việc Nga can thiệp vào Ukraine, chúng tôi đang làm những việc mà chúng tôi không bao giờ làm từ năm, sáu hay bảy năm trước để đảm bảo cho an ninh châu Âu”.
Trong khi đó, ông Curtis Scaparrotti cũng chỉ ra những áp lực khác đối với châu Âu. Ông nói: “Người nhập cư đang thách thức cấu trúc xã hội châu Âu”. Cũng theo ông, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang đe dọa sẽ tiến hành thêm các cuộc tấn công nhằm vào nhiều thành phố khác của châu Âu.
Do những mối đe dọa trên, các quan chức quốc phòng Mỹ nhận thấy vẫn cần phải hợp tác với Nga.
Ông Carter nói: "Phần lớn những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc là khi hợp tác với Nga”. Ông nhấn mạnh: “Tôi muốn nhắc lại rằng, không bất chấp Nga, không chống lại Nga, mà là hợp tác với Nga”.
Ông nhắc lại một ví dụ điển hình về thành công trong việc hợp tác với Nga. Đó là việc Nga và Mỹ cùng bắt tay mang lại hòa bình cho Bosnia vào năm 1995.
Ông Carter cho hay, Mỹ vẫn tiếp tục cần Nga là một đối tác trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Christian Science Monitor, tờ báo đăng tải những sự kiện đang diễn ra ở Mỹ và thế giới. Tờ báo còn có một mục dành cho tôn giáo trên trang "The Home Forum".