Mỹ vẫn kết tội quân ly khai bắn rơi MH17
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói rằng Mỹ đánh giá cao “những phát hiện quan trọng” của Ủy ban An toàn Hà Lan (DSB) được công bố ngày 13/1, đồng thời nói rằng báo cáo của Hà Lan đã “xác nhận” giả thuyết của Mỹ rằng máy bay của Malaysia đã bị bắn rơi “bởi một tên lửa đất đối không Buk” từ “khu vực do quân ly khai kiểm soát”.
Tên lửa phòng không Buk, loại vũ khí được xác định đã bắn rơi MH17. |
Ông Toner nhấn mạnh rằng Mỹ đã chắc chắn quan điểm của mình “từ rất lâu” trước khi báo cáo của Hà Lan được công bố. Ông khẳng định rằng Washington vẫn trung thành với lòng tin của mình, mặc dù báo cáo của DSB không quy trách nhiệm cho bất kỳ ai, cũng như xác nhận vị trí mà tên lửa được bắn đi.
Báo cáo của Hà Lan không đề cập đến vị trí chính xác, chỉ nói rằng tên lửa được phóng đi từ một vị trí nằm trong một khu vực 320 km vuông ở miền Đông Ukraine. Báo cáo này cũng tránh nhắc đến việc khu vực đó do bên nào kiểm soát vào thời điểm đó.
Nga tỏ ra bất bình trước tuyên bố này từ phía Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Những lời nói không rõ ý từ mà chúng tôi được nghe đơn giản là nhằm mê hoặc công chúng, hoặc ép người nghe phải nghe theo một ý kiến cụ thể, có thể gọi đây là một hình thức tuyên truyền”.
Việc Mỹ cố tình thay đổi kết quả cuộc điều tra theo ý của mình, theo bà Zakharova, đã trở thành “chuyện thường xuyên xảy ra, không chỉ đối với thảm kịch MH17 mà còn với những vấn đề khác nữa”.
Cuộc điều tra chỉ xác định rằng chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị bắn rơi do một quả tên lửa Buk phát nổ ở bên trái khoang lái của chiếc máy bay. Đồng thời các điều tra viên cũng phê phán việc các bên liên quan đã không nhận thấy những hiểm họa của cuộc xung đột đối với các máy bay dân sự và không cho đóng cửa không phận.
Nhà phân tích chính trị Daniel Patrick Welch nói với RT rằng: “Nếu Mỹ có ảnh chụp từ vệ tinh, họ chưa từng trao nó cho DSB, còn Nga đã trao ảnh chụp vệ tinh của họ. Mặc dù DSB cho biết chúng rất hữu ích, họ chưa từng sử dụng chúng một cách thiết thực”.
Bộ Ngoại giao Nga cũng bảy tỏ những nghi ngờ về kết quả trong báo cáo, cụ thể là việc ủy ban điều tra không trả lời lời mời đến Nga để nghiên cứu bằng chứng mà phía Nga cung cấp để xác định nguyên nhân của thảm kịch.
Ngoài ra, Moscow khẳng định rằng Nga đã yêu cầu Kiev công bố ghi âm điện đàm của trạm kiểm soát không lưu ở Ukraine vào thời điểm máy bay bị bắn rơi song không nhận được hồi âm. Kiev cũng không đưa ra thông tin về vị trí của không quân Ukraine trong khu vực.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.