Mỹ và Ukraine đã tìm ra “xung lực mới” cho giải quyết khủng hoảng Donbass?
Tổng thống Ukraine Poroshenko, Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Thông tin trên được Thường trú của hãng thông tấn Nga Ria Novosti tại Ukraine mới đưa ra dựa trên tuyên bố của Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Kostantin Eliseev.
Trong tuần vừa qua, cựu Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO Kostantin Eliseev đã được bổ nhiệm làm đặc phái viên của Mỹ về các vấn đề Ukraine. Nhiệm vụ chính của Eliseev là điều phối các nỗ lực của Bộ Ngoại giao Mỹ về giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Đến ngày 9/7, ông Kurt Volker đã đến Kiev và tiến hành hàng loạt cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Ukraine, trong đó có cuộc gặp với đại diện của Ukraine trong Nhóm làm việc về Donbass là cựu Tổng thống Ukraine Leonhid Kuchma. Hai bên đã thảo luận vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng ở Donbass và thỏa thuận về việc sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên các cuộc gặp kiểu này.
“Cuộc gặp mới được tổ chức ngày hôm qua tại Văn phòng Tổng thống Ukraine. Chúng tôi đã xác định được các bước đi chung để tạo ra xung lực mới cho Thỏa thuận Minsk-2. Tất nhiên chúng tôi đã nói về các vấn đề chiến lược… Tổng thống Ukraine Poroshenko cũng đã có cuộc gặp với ông Volker để đề nghị ông ấy tham gia tích cực hơn vào giải quyết cuộc khủng hoảng ở Donbass. Chúng tôi rất ấn tượng với mong muốn của ông ấy, với cách nhìn thực tế, thực dụng của ông ấy trong đạt được các kết quả cụ thể cho vấn đề này”- ông Kostantin Eliseev nói trên “Đài tự do Ukraine”.
Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine cũng nhấn mạnh rằng việc bổ nhiệm ông Volker vào vị trí hiện nay là do sự vận động của các thành viên nhóm “Bộ tứ Normady” (gồm Nga, Ukraine, Đức, Pháp). Đây là quyết định đã được chờ đợi từ lâu của Ukraine nhằm nhanh chóng tìm ra giải pháp cho vấn đề Donbass.
Hiện vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine đang được thảo luận ở nhiều cấp khác nhau và dưới các hình thức khác nhau, cụ thể là dưới hình thức “Bộ tứ Normady”. Mỹ không tham gia vào hình thức này nhưng vẫn thường xuyên can thiệp vào vấn đề này.
Trước đó đã có ý kiến cho rằng nên chuyển các cuộc đàm phán về giải quyết khủng hoảng Ukraine từ hình thức “Bộ tứ Normady” như hiện nay sang hình thức “Đàm phán Geneva”, nghĩa là có sự tham gia cả của Mỹ và Ba Lan với tư cách trung gian.
Tuy nhiên, hiện các bên vẫn đang cố gắng duy trì đối thoại trong khuôn khổ “Bộ tứ Normady” và Thỏa thuận Minsk-2 được ký hồi tháng 9/2014 vẫn được coi là giải pháp hữu hiệu nhất. Mặc dù vậy, sau khi thỏa thuận này được ký kết, các bên xung đột vẫn thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận này.