Mỹ và Nga đang hướng đến một cuộc chiến tranh hạt nhân?
Vào thời Chiến tranh Lạnh, sự cân bằng về sức mạnh quân sự giữa NATO và Khối Warsaw, cũng như việc Mỹ và NATO thiết lập kênh đối thoại trực tiếp với Liên Xô khiến căng thẳng chưa bao giờ biến thành một cuộc chiến tranh thực sự. Thế nhưng hiện tại, trong con mắt của phương Tây, hành động của Nga khó đoán hơn Liên Xô trước đây và họ tin rằng căng thẳng giữa Nga và NATO tại Đông Âu sẽ có thể biến thành một cuộc chiến tranh hạt nhân lớn.
Châu Âu vẫn phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ để đảm bảo an ninh trong khu vực. |
Tướng Richard Shirreff, cựu Phó Tư lệnh Tối cao NATO phát biểu tại một diễn đàn tổ chức tại Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ) rằng: “Chiến tranh Lạnh đang trở lại ư? Tôi nghĩ tình hình có thể còn trở nên nguy hiểm hơn thế”.
Theo tướng Shirreff, các quốc gia Tây Âu mặc dù có nền kinh tế tương đối phát triển, song khả năng quân sự của họ lại khá yếu. Vì vậy, Nga có thể thử thách quyết tâm của các nước châu Âu và đẩy họ đến căng thẳng cực độ. “Nga luôn coi trọng sức mạnh và khinh ghét sư yếu đuối, và vì vậy họ luôn tìm điểm yếu của đối thủ của mình”, ông Shirreff nói.
Theo ông Shirreff, chính chiến lược đánh vào điểm yếu và tìm cách chia rẽ quan hệ giữa các nước phương Tây, cụ thể là giữa Mỹ và các nước đồng minh châu Âu, Moscow có thể dễ dàng gây sức ép đối với vùng Baltic. Nếu phương Tây phát hiện có sự xâm phạm của Nga, một cuộc chiến tranh thông thường hoặc hạt nhân có thể sẽ xảy ra. “Nếu một binh sĩ Nga xâm phạm lãnh thổ một nước vùng Baltic, điều đó có nghĩa là tất cả các nước thành viên NATO, trong đó có Mỹ, đang bị xâm phạm, và một cuộc xung đột đơn thuần có thể sẽ biến thành chiến tranh hạt nhân”, ông Shirreff nhận định.
Mặc dù tướng Shirreff tin rằng khả năng Nga tiến quân vào vùng Baltic là rất ít, song ông cho rằng “cư xử của con người trước nay đôi lúc không thật sự duy lý trí” và “chúng ta luôn luôn phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”.
Tướng Shirreff cho rằng Nga đang đối đầu với Mỹ theo cách riêng của mình. Ông dẫn ra việc hộp thư điện tử của đảng Dân chủ Mỹ là minh chứng cho thấy Nga đang có ý định ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống. “Việc xâm nhập hòm thư của đảng Dân chủ để gây bất ổn và hạ thấp uy tín của một ứng cử viên Tổng thống là một hành vi gây chiến của Thế kỷ 21”.
Hệ thống tên lửa K-300P Bastion-P của Nga vẫn là một vũ khí khiến phương Tây lo sợ. |
Ông Shirreff tin rằng để NATO có thể đối phó được với Nga, họ phải làm cho Nga tin rằng châu Âu có thể tự bảo vệ mình thay vì phụ thuộc vào Mỹ. Cụ thể, NATO phải tăng cường sự hiện diện của mình tại các nước vùng Baltic bằng cách bố trí một đơn vị quy mô lớn có sự tham gia của máy bay và tàu quân sự. Những đội quân này phải phối hợp với quân đội các nước vùng Baltic một cách chặt chẽ. “NATO phải chứng minh rằng họ có một kế hoạch phòng vệ hiệu quả nếu chiến tranh xảy ra”, ông Shirreff nói.
Ngoài ra, NATO sẽ phải thành lập một lực lượng phản ứng nhanh để hỗ trợ cho các đơn vị quân đội đóng tại vùng Baltic. Tuy nhiên một số chuyên gia Mỹ tin rằng đây là một vấn đề tương đối khó khăn bởi sự hiện diện của mạng lưới chống xâm pham mà Nga có thể thiết lập. Cụ thể, hệ thống tên lửa K-300P Bastion-P của Nga sẽ ngăn chặn bất kỳ hoạt động trên biển nào, và quân đội NATO sẽ không thể tiến quân vào khu vực Kaliningrad của Nga để giảm bớt sức ép bởi các chuyên gia phương Tây cho rằng Nga sẽ dùng vũ khí hạt nhân để chống trả, khiến xung đột leo thang.
Ông Shirreff cũng kêu gọi các nước thành viên NATO gia tăng ngân sách quốc phòng. Mỹ đang trở thành nước duy nhất bảo vệ cho các quốc gia NATO, và bản thân chính phủ Mỹ và phần lớn người dân đều không hài lòng về điều này. Tuy nhiên, khả năng các nước NATO gia tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng sẽ là rất ít, trừ phi người dân của những quốc gia này thực sự coi Nga là hiểm họa lớn. Và trong bối cảnh hiện tại, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ có những hành động mạnh bạo như phương Tây lo ngại.