Mỹ và EU chính thức dỡ bỏ cấm vận kinh tế với Iran sau hàng chục năm
Với Iran, việc các nước phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm vận đã bị áp đặt trong nhiều năm, đồng thời cho phép Tehran tiếp cận khoản ngân sách có tổng trị giá 100 tỉ USD bị đóng băng ở nước ngoài là tạo cơ hội cho nền kinh tế nước này phát triển trở lại.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif (phải) hội đàm với nhau tại thủ đô Vienna (Áo). IAEA tuyên bố Iran tuân thủ những điều kiện đưa ra trong thỏa thuận hạt nhân ngày 14/7/2015. |
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng như các quan chức cấp cao của Iran và Liên minh Châu Âu (EU) đã bày tỏ sự vui mừng trước sự kiện này. “Đây là bước đi đầu tiên giúp thế giới trở nên an toàn hơn”, ông Kerry phát biểu tại thủ đô Vienna (Áo) trong một cuộc họp cấp cao. “Tối nay chúng ta một lần nữa chứng kiến sức mạnh của ngoại giao trong việc giải quyết những thách thức quốc tế lớn”.
Cao ủy EU phụ trách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini cũng cho biết, thỏa thuận hạt nhân “cho thấy rằng với sự quyết tâm, kiên trì và nỗ lực đàm phán, chúng ta có thể giải quyết những vấn đề khó khăn nhất và tìm ra giải pháp thiết thực”.
Tại thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ban hành mệnh lệnh dỡ bỏ các vòng cấm vận kinh tế đối với Iran, còn ông Kerry cho biết rằng IAEA xác nhận rằng “Iran đã tuân theo những cam kết được đưa ra”.
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc được thông qua vào ngày 14/7/2015 không những xóa bỏ khả năng Mỹ hay Israel can thiệp quân sự mà còn tạo điều kiện để mở đầu cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa các nước Trung Đông. Nhưng cho đến ngày 16/1, chưa có cơ quan nào xác nhận Iran đã thực hiện đầy đủ những cam kết đưa ra.
Với Tehran, tuyên bố của IAEA cũng giúp nước này thu hút đầu tư tài chính, đồng thời cải thiện vị thế trên trường quốc tế. Bên cạnh việc tiếp cận với những tài sản bị đóng băng, về lâu dài Iran có thể hợp tác trên các lĩnh vực dầu mỏ, thương mại và tài chính với nhiều nước trên thế giới.
Không chờ đợi tuyên bố của IAEA, Bộ trưởng Bộ Giao thông Iran Abbas Akhondi cho biết nước này đã thống nhất một thỏa thuận nhằm mua về 114 máy bay chở khách của hãng Airbus ngay khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ.
Trong số những lệnh cấm vận được dỡ bỏ có những lệnh trừng phạt do Liên Hợp quốc áp đặt vào năm 2006 và 2010 nhằm gây sức ép đối với Iran ngừng các hoạt động làm giàu uranium cũng như các hình thức góp phần chế tạo vũ khí hạt nhân.
Đây có thể là bước đi mở đầu cho sự hợp tác kinh tế của Iran với Mỹ và các nước trên thế giới. |
Thỏa thuận hạt nhân cũng có lợi cho Nhà Trắng. Đây được coi là một trong những thắng lợi lớn của Tổng thống Obama, giúp bắt đầu hợp tác với Iran, một quốc gia quan trọng trong việc chấm dứt cuộc xung đột ở Syria cũng như ở các nước khác trong khu vực Trung Đông.
Theo những điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân, Iran phải chịu sự giám sát của IAEA trong vòng 15 năm và vẫn có thể bị áp đặt cấm vận trở lại nếu Tehran không tuân theo cam kết.
Thỏa thuận này cũng nhằm buộc Iran mất nhiều thời gian hơn để chế biến các vật liệu phóng xạ, chủ yếu bằng cách kìm hãm khả năng làm giàu uranium của nước này. Iran cam kết giảm bớt số máy ly tâm hạt nhân xuống chỉ còn hơn 5.000 trên khắp cả nước. IAEA công nhận rằng Tehran đã tuân theo những điều kiện trong thỏa thuận.
Hơn một thập kỷ trước, toàn thế giới tập trung vào chương trình hạt nhân của Iran khi có thông tin nước này đang bí mật làm giàu uranium. Tehran khẳng định rằng hoạt động này nhằm ứng dụng vào các nhà máy điện hạt nhân, cũng như có mục đích nghiên cứu y học và khoa học.
Cho đến nay, Israel vẫn bày tỏ sự lo ngại của họ trước thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tổng thống Benjamin Netanyahu tin rằng Iran chưa từ bỏ sản xuất vũ khí hạt nhân và kêu gọi cộng đồng quốc tế có hình thức đáp trả trong trường hợp Iran vi phạm cam kết.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Associated Press (AP) của Mỹ. Đây là hãng tin lớn nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York. AP cũng là một trong những nguồn cung cấp tin tức lớn nhất cho các tờ báo, đài truyền hình và đài phát thanh trên thế giới.