Mỹ: Trung Quốc phải ngừng ngay việc đe dọa láng giềng!
Trong bài phát biểu tại trường ĐH Georgetown hôm 7/2, ông Leon Panetta cho biết ông đã gửi đề nghị của mình tới người đồng cấp bên phía Trung Quốc và gợi ý các bên cần phải nhanh chóng đạt được một thỏa thuận nhằm hạ nhiệt vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta:“Trung Quốc không thể trở thành một quốc gia chỉ biết đi dọa dẫm những nước khác. Trung Quốc không thể trở thành kẻ chỉ mang lại những mối đe dọa bằng cách theo đuổi chính sách chủ quyền và tạo ra những tranh chấp chủ quyền khắp nơi như thế”. |
Khi được hỏi về quan điểm của Mỹ đối với những hành động “nguy hiểm” gần đây của Trung Quốc đối với Nhật Bản trong khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ông Panetta đã bày tỏ sự lo ngại rằng “đó là tình huống rất nguy hiểm, đặc biệt là tại khu vực đang có những tuyên bố chủ quyền khác nhau của các quốc gia và nó sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng mất kiểm soát”.
“Một nước này hay nước khác cũng cho mình cái quyền phản ứng như thế thì nó sẽ chỉ tạo ra những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn mà thôi”, ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Những hành động nguy hiểm mà các phóng viên nhắc đến trong câu hỏi với ông Leon Panetta chính là hành động chĩa súng vào tàu chiến Nhật Bản hay một tàu khu trục của Trung Quốc đã “khóa mục tiêu bằng radar” (hành động thể hiện việc đã sẵn sàng khai hỏa bằng vũ khí hiện đại như tên lửa…) vào tàu chiến cảu Nhật Bản trên biển Hoa Đông cách đây mấy ngày.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi đó là những hành động “nguy hiểm” và “cố tình khiêu khích”.
Theo ông Panetta, Trung Quốc, Mỹ hay những nước khác cần phải làm việc cùng nhau chặt chẽ hơn để đối phó với “những thách thức chung” bao gồm cả việc chống lại nạn cướp biển, thảm họa thiên nhiên hay tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải…
“Nhưng riêng với Trung Quốc, tôi có thể nói một cách đơn giản rằng làm những việc đó chính là vì lợi ích của họ. Trung Quốc cần phải đóng góp một phần vào sự ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua sự hợp tác với các quốc gia khác để giải quyết những vấn đề này”, ông Panetta nói thêm, “Trung Quốc không thể trở thành một quốc gia chỉ biết đi dọa dẫm những nước khác. Trung Quốc không thể trở thành kẻ chỉ mang lại những mối đe dọa bằng cách theo đuổi chính sách chủ quyền và tạo ra những tranh chấp chủ quyền khắp nơi như thế”.
Trong buổi họp báo ngày 7/2 tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi được hỏi Trung Quốc có phản ứng gì trước lời tố cáo của Nhật Bản quanh "sự cố radar khóa mục tiêu, chuẩn bị khai hỏa" của tàu chiến Trung Quốc với tàu Nhật Bản, người phát ngôn Hua Chunying đã tuyên bố: "Trong thời gian gần đây, Nhật Bản đang cố tình 'thổi phồng' các hành động của Trung Quốc ở biển Hoa Đông nhằm mục đích bôi nhọ hình ảnh của Trung Quốc".
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không thể giải thích được lý do vì sao tàu chiến Trung Quốc lại có hành động nguy hiểm như thế và không thể phủ nhận đó là hành vi "không thể chấp nhận được". Phía Trung Quốc cũng cố tình lảng tránh trả lời câu hỏi về những hành động ngày càng leo thang mạnh mẽ hơn của họ tại vùng biển này và khu vực Biển Đông trong thời gian gần đây.
Tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông. |
Ngoài việc gây căng thẳng với Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, Trung Quốc còn liên tục tạo sóng gió đối với khu vực Biển Đông thông qua việc không ngừng leo thang trong những hành động đòi hỏi chủ quyền một cách phi pháp và vô lý đối với vùng biển của nhiều nước Đông Nam Á này.
Mới đây, Philippines đã đệ đơn lên tòa án về Luật biển của Liên Hợp Quốc để kiện Trung Quốc và yêu cầu nước này phải giải thích một cách rõ ràng đối với những tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông.