Mỹ - Trung bắt tay nhau cô lập Triều Tiên?
Sau cuộc hội đàm tại Bắc Kinh vào hôm thứ Sáu (25/1) với các quan chức cấp cao Trung Quốc, đặc phái viên Mỹ về các vấn đề Triều Tiên Glyn Davies cho biết cả hai bên sẽ cùng chống lại bất kỳ vụ thử hạt nhân nào của Triều Tiên và việc giải trừ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này sẽ vẫn còn là một điều kiện để mang lại ổn định trong khu vực.
Đặc phái viên Mỹ về các vấn đề Triều Tiên Glyn Davies phát biểu bên lề cuộc gặp với chính quyền Bắc Kinh tại Bắc Kinh ngày 25/1/2013 |
Ông Davies nói rằng Triều Tiên có thể lựa chọn việc thử nghiệm hạt nhân và tiếp tục bị cô lập hoặc quay trở lại bàn đàm phán giải trừ quân bị 6 bên bao gồm cả các bên Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ và Trung Quốc. “Chúng tôi đánh giá Triều Tiên bằng hành động, chứ không phải lời nói của họ”, ông nói.
Các cuộc đàm phán của Davies ở Bắc Kinh diễn ra trong chuyến đi tới ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nhằm thảo luận các vấn đề về Triều Tiên. Chuyến công du của ông diễn ra khi căng thẳng đang gia tăng và Trung Quốc đang có dấu hiệu muốn kiềm chế đồng minh Triều Tiên của mình.
Bắc Kinh đã có một thỏa thuận hiếm thấy với Washington, điều ít khi xảy ra trong mối quan hệ quá khứ, cho phép Liên Hợp Quốc thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên tương tự với hình phạt áp dụng cho vụ phóng tên lửa hồi tháng trước.
Để đáp lại, Ủy ban Quân ủy Trung ương Triều Tiên, cơ quan tối cao của quân đội, cho biết họ đang chuẩn bị tiến hành một vụ thử hạt nhân và tên lửa có khả năng tiến đến Mỹ.
Một vụ thử nghiệm hạt nhân mới của Triều Tiên sẽ đặt ra một thách thức cho nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, qua đó có thể sẽ xác lập lại quan điểm của của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ với Bắc Kinh. Quan hệ giữa bộ 3 này và Bắc Kinh đang khá căng thẳng, thương mại và đầu tư của họ đang giúp cho nền kinh tế đang trỗi dậy của Trung Quốc tiếp tục phát triển.
Khi được hỏi về chuyến thăm của ông Davies, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, trong giai đoạn căng thẳng hiện nay, các bên cần phải giữ bình tĩnh. “Tình hình hiện tại của bán đảo (Triều Tiên) là phức tạp và nhạy cảm. Chúng tôi hy vọng các bên có liên quan giữ bình tĩnh, tăng cường đối thoại, tránh bất kỳ hành vi sẽ leo thang căng thẳng và cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên”, Phát ngôn viên Hồng Lỗi nói với cuộc họp báo thường nhật của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trung Quốc cung cấp hầu hết nguồn nhiên liệu và thực phẩm cho Triều Tiên đổi lấy các hoạt động thương mại và đầu tư vào nước này. Tuy nhiên, trong hơn một thập kỷ phóng tên lửa thường xuyên, hai cuộc thử nghiệm hạt nhân và các hành động khiêu khích khác của Triều Tiên, Trung Quốc đã miễn cưỡng sử dụng đòn bẩy kinh tế của nước này để ngăn chặn vì lo sợ sự bất ổn cho các nước láng giềng của mình.