Mỹ: Triều Tiên đã sẵn sàng cho thử hạt nhân thứ 3
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên sẵn sàng thử nghiệm hạt nhân trong vài tuần tới thậm chí ngay khi có lệnh |
Hôm 27/1, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Mỹ - Hàn Quốc thuộc Đại học Johns Hopkins đã chính thức công nhận những bức ảnh vệ tinh được chụp vào ngày 23/1 cho thấy cơ sở hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên sẽ sẵn sàng tiến hành vụ thử "trong vài tuần tới hoặc ngay khi có lệnh".
Giới phân tích tại Viện Nghiên cứu Mỹ - Hàn Quốc đã theo sát mọi hoạt động thường ngày diễn ra tại cơ sở hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên trước mối đe dọa quốc gia cô lập này sẽ tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 nhằm phản đối lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa hồi tháng 12 năm ngoái.
Trong cuộc họp gồm các quan chức an ninh hàng đầu với sự góp mặt của tướng Hyon Yong-Chol, chủ tịch Tổng cục chính trị quân đội - Choe Ryong-Hae và giám đốc tình báo - Kim Won-Hong hôm 27/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong-un đã ra lệnh thực hiện "các biện pháp tối ưu bảo vệ an ninh quốc gia".
Hồi tuần trước, Liên Hiệp Quốc đã phê duyệt các lệnh trừng phạt mới được xem là "hành động có chủ đích" nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3.
Trước đây, vào năm 2006 và 2009, Triều Tiên đã tiến hành 2 cuộc thử nghiệm hạt nhân ngay sau các vụ phóng tên lửa, buộc Liên Hiệp Quốc thi hành lệnh trừng phạt nhằm ngăn chặn quốc gia cô lập này thực hiện thêm một cuộc thử nghiệm hạt nhân.
Trong khi đó, Mỹ cũng đã đưa ra lời cảnh báo về những hậu quả mà Triều Tiên sẽ phải hứng chịu nếu thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ 3, vốn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đồng minh thận cận nhất với quốc gia này – Trung Quốc. Điển hình vào hồi tuần trước, một tờ báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý đã cho đăng tải thông tin nhấn mạnh Bắc Kinh "sẽ không do dự" cắt viện trợ nếu Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm hạt nhân.
Trung Quốc đã trở thành "ân nhân" của Bình Nhưỡng kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 với sự hỗ trợ mãnh mẽ cả về mặt ngoại giao lẫn kinh tế.