Mỹ tăng cường sức mạnh cho thủy quân lục chiến ở Australia
Reuters cho hay, việc triển khai vũ khí của lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ ở thành phố chiến lược Darwin, đã được phê chuẩn năm 2011, là một phần quan trọng trong chính sách “xoay trục” sang châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama, giữa lúc Trung Quốc ngày càng bành trước trong khu vực.
Hoạt động này cũng củng cố thêm mối quan hệ thân thiết với đồng minh Australia và giúp Mỹ có một vị trí vững chắc hơn trong khu vực.
Chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump đã có những tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề tranh chấp tại Biển Đông của Trung Quốc, tuy nhiên, ông Trump cũng đã ký lệnh đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP mà ông Obama đã xây dựng.
Mỹ sẽ điều thêm máy bayMV-22 Osprey tới phía Bắc Australia. Nguồn: Commons |
Phát ngôn viên Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, Chris Logan cho biết Mỹ sẽ gia tăng số lượng máy bay trong năm nay, bao gồm bốn “Chim ưng biển” MV-22 Osprey và 5 trực thăng chiến đấu đa nhiệm AH-1W Super Cobra. Ông Logan cũng cho hay số lượng binh lính thủy quân lục chiến vẫn duy trì là 1.250 người.
“Quy mô và thành phần của mỗi lần xoay vòng lực lượng thủy quân tại Australia đã được hai bên quyết định và sẽ mang tính chất cân bằng với các cam kết về nguôn lực và những ưu tiên quốc gia của hai nước”, ông Logan nói.
Số lượng binh lính được điều tới phía Bắc Australia vẫn còn khá ít so với kế hoạch 2.500 người đến năm 2020. Tháng 10 năm ngoái, Australia và Hoa Kỳ đã đồng ý chia sẻ hơn 1,5 tỷ USD trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng và những chi phí khác liên quan tới việc triển khai quân trong 25 năm.
Hai nước cũng thảo luận về việc đặt căn cứ cho máy bay ném bom tầm xa B-1 ở Darwin, một hành động khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc lo ngại.
Euan Graham, giám đốc Chương trình An ninh quốc tế có trụ sở ở Sydney cho biết việc trì hoãn triển khai thêm binh lính giữa hai nước là điều không mấy ngạc nhiên, nó cho thấy tiến trình chậm chạp trong đàm phán về chi phí.
“Cơ sở hạ tầng cho các binh lính và vũ khí không thể hoàn thành cho đến khi hai nước đồng ý chia sẻ kinh phí và điều này không thể được thống nhất trong một sớm một chiều mà cần có một tiến trình dài hạn và ổn định”, ông nói.