Mỹ sẽ chi thêm 7,5 tỷ USD để tăng cường sức mạnh quân sự ở châu Á?
Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Tướng Gary Ross, Bộ Quốc phòng Mỹ tin rằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn là ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực an ninh. Do đó, cơ quan này "về cơ bản" ủng hộ thông qua khoản kinh phí 7,5 tỷ USD để quân đội Mỹ tăng cường sự hiện diện cũng như nâng cao sức mạnh trong khu vực.
Trước đó, hồi tháng Một, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ, ông John McCain đã đề xuất trong giai đoạn từ 2018 – 2022, mỗi năm Bộ Quốc phòng Mỹ nên chi 1,5 tỷ USD cho "Sáng kiến ổn định châu Á – Thái Bình Dương".
![]() |
Tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên được xem là một trong những thách thức an ninh mà Mỹ đang phải đối phó ở châu Á - Thái Bình Dương. |
"Châu Á – Thái Bình Dương hiện là ưu tiên hàng đầu với Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục củng cố các lực lượng nhằm tăng cường khả năng cũng như sẵn sàng ứng phó trước những thách thức nổi lên ở khu vực này", tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Rose.
Cũng theo Wall Street Journal, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tán thành kế hoạch chi tiêu trên. Cụ thể hồi tháng Tư, ông Mattis cho biết kế hoạch này sẽ "tăng cường sức mạnh quân đội Mỹ trong khu vực, cải thiện hoạt động của các cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thêm tài chính cho các cuộc tập trận, triển khai thêm thiết bị và xây dựng năng lực hợp tác với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực".
Tình hình an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện đang đứng trước những thách thức lớn liên quan tới chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên được xem là mối đe dọa tới an ninh của Nhật Bản, Hàn Quốc và các đồng minh khác của Mỹ. Trong những tháng gần đây, Bình Nhưỡng đã tiến hành phóng thử hàng loạt tên lửa buộc Mỹ phải điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tới gần bán đảo Triều Tiên để sẵn sàng ứng phó trước những hành động khiêu khích thêm từ Triều Tiên.
Ngoài vấn đề Triều Tiên, Mỹ cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích hành động bành trướng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông như xây đảo nhân tạo và đưa vũ khí ra những khu vực này. Hồi tháng Một, Ngoại trưởng Rex Tillerson từng nhấn mạnh Mỹ cần ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Lâu nay, Trung Quốc vẫn đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông, tuyến đường biển quan trọng mang lại giá trị thương mại hơn 5 ngàn tỷ USD/năm.