Mỹ ráo riết tìm cách đưa thêm tàu chiến, máy bay đến Biển Đông
Các cuộc đàm phán về sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ ở Biển Đông được đưa ra khi tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines đang nóng lên. Kể từ tháng 2/2013 đến nay, Philippines đã nhiều lần phàn nàn rằng hải quân và tàu bán vũ trang của Trung Quốc đã gia tăng sự hiện diện của họ trong các khu vực tranh chấp với Philippines về vấn đề chủ quyền.
Khu trục hạm USS Fitzgerald của Mỹ đang neo đậu tại căn cứ Subic, Philippines. |
Đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Jose Cuisia cho biết, Philippines có kế hoạch cho phép Mỹ tiếp cận sâu hơn tới các căn cứ của nước này trên cơ sở tạm thời và luân phiên nhằm mục đích củng cố năng lực quốc phòng của Philippines. Manila tuyên bố sẽ không cung cấp quyền đóng quân vĩnh viễn tại các căn cứ của họ cho quân đội Mỹ, còn Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương thì tuyên bố, Mỹ “không có ý định mở thêm bất cứ một căn cứ quân sự nào nữa tại Thái Bình Dương”.
Từ năm 1998, Philippines và Mỹ đã có một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ duy trì một sự hiện diện luân phiên ở Philippines, nhưng Washington hiện đang tìm cách mở rộng thỏa thuận đó.
"Chúng ta cần phải mở rộng ( Hiệp ước ký năm 1998) bởi vì chúng tôi có thể xây dựng một số cơ sở bổ sung. Cơ sở vật chất như vậy sẽ được "sử dụng chung" và sẽ cho phép Mỹ lưu trữ các thiết bị quân sự của mình và cung cấp tại Philippines", ông đại sứ Cuisia cho biết trong một cuộc họp báo ở Manila.
Theo tin từ Reuters, hồi tháng trước Philippines tiết lộ rằng họ có kế hoạch để khôi phục lại căn cứ không quân và hải quân ở vịnh Subic, nơi vốn là một căn cứ cũ của Mỹ để tái cung cấp cho Mỹ. Nguồn tin quân sự và ngoại giao trong tháng này cho biết thêm, tất cả các cơ sở quân sự mà Mỹ đề nghị được tiếp cận đều nhắm đến mục đích đối mặt với Trung Quốc.
Trong những năm qua, Mỹ đã sử dụng căn cứ ở vịnh Subic cho các chuyến thăm của tàu chiến nước này. Nhà thầu quốc phòng Mỹ, Huntington Ingalls Industries năm ngoái đã thành lập số “cơ sở hạ tầng” để phục vụ tàu hải quân Mỹ. Một chuyên gia bình luận quân sự đã nói với tờ New York Times rằng đây có thể là một dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ giữ tàu chiến và máy bay ở Philippines trong thời gian dài.
Carl Baker, giám đốc chương trình Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với đài VOA rằng các cuộc đàm phán “chia sẻ cơ sở quân sự” là một dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể hiện diện thường trực tại Philippines.
Tin tức về sự hiện diện mở rộng của Mỹ ở Philippines có thể sẽ khiến các lãnh đạo Trung Quốc nổi giận hơn nữa trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines vẫn ở mức cao. Vào cuối năm 2012, Mỹ tuyên bố sẽ tăng số lượng quân đội, máy bay và tàu chiến tại Philippines – các quan chức và giới truyền thông Trung Quốc đã lớn tiếng chỉ trích Philippines và “vu cáo” rằng Philippines là “kẻ gây rối và tìm kiếm xung đột”. Vào thời điểm đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi quân đội phải “chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh”.
Philippines hiện vẫn đang mắc kẹt trong một số tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough và Second Thomas. Ông đại sứ Cuisia nói với các phóng viên rằng các cuộc đàm phán chính thức giữa Manila và Washington đã đạt đến cấp Bộ, và cả hai bên hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận trước khi Tổng thống Benigno Aquino kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2016.