Mỹ “quyết không tha” cho Nga trong cuộc chiến tranh dầu mỏ
Theo ấn phẩm này, ông Trump đã bày tỏ quan điểm của mình và trao đổi về thị trường dầu mỏ với Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman, trong một cuộc điện đàm vào hôm 09/3. Thêm vào đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết Đại sứ Mỹ tại Saudi Arabia, John Abizaid, đã trao đổi về thị trường dầu mỏ với Bộ trưởng năng lượng của Saudi Arabia, Abdulaziz bin Salman Saud, 3 ngày trước.
Mỹ “quyết không tha” cho Nga trong cuộc chiến tranh dầu mỏ. (Ảnh minh họa). |
Một cựu quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cho biết, Tổng thống Trump tán thành kế hoạch của Saudi Arabia, tuy nhiên lại đồng thời khuyên nước này không nên để cho giá dầu xuống quá thấp, để bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất nhiên liệu ở Mỹ.
Theo tờ Politico, chỉ hai tuần sau cuộc nói chuyện của ông Trump và thái tử Salman, giá dầu đã hạ sâu tới mức khiến Nhà Trắng cũng bất ngờ.
Mới đây, Tạp chí The Wall Street Journal của Mỹ đưa tin, một nhóm các quan chức Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đang thúc giục chính quyền Tổng thống Donald Trump thành lập một liên minh với Saudi Arabia để điều chỉnh giá dầu thế giới và định hướng “đầu ra” của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Một số chuyên gia cho rằng, quyết định như vậy sẽ giúp tránh khỏi tình trạng giá dầu sụt giảm nghiêm trọng, cũng như có thể làm suy yếu quan hệ đối tác của Saudi Arabia với Nga.
Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, chính ông Trump tuần trước vừa nói rằng Nga và Saudi Arabia đang tranh giành thị phần với nhau, điều đó đã khiến dầu rớt giá xuống mức đáy trong vòng 10 năm nay. Theo ông Trump, Hoa Kỳ sẽ can thiệp vào “cuộc chiến” giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga vào “thời điểm thích hợp”, đồng thời cho rằng giá xăng dầu thấp là có lợi cho người tiêu dùng Mỹ ngay cả khi giá dầu giảm gây tổn hại đến ngành sản xuất dầu mỏ.
Trước đó, đầu tháng 3, Saudi Arabia vừa tuyên bố sẽ nâng sản lượng cung cấp dầu mỏ lên mức cao kỉ lục vào tháng 4 như một động thái nhằm cạnh tranh thị phần với Nga và dấu hiệu cho thấy sự từ chối đàm phán với Nga về một thỏa thuận mới. Saudi Arabia đã khai thác 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong nhiều tháng qua. Nước này đang dự trữ hàng trăm triệu thùng dầu, do đó có thể cung cấp vượt qua khả năng sản xuất.
Đồng thời, giám đốc của tập đoàn dầu mỏ Aramco Amin Nasser cho biết, họ sẽ tăng sản lượng lên 12,3 triệu thùng/ngày vào tháng 4. Ngoài ra, Saudi Arabia cũng đồng ý với Kuwait trong việc nối lại hoạt động ở các mỏ dầu chung để góp phần tăng sản lượng cho Aramco.
Trước những động thái này của ông Trump, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov bình luận, điện Kremlin hiểu rõ lý do Tổng thống Mỹ có những lời lẽ như vậy đó là do nhiều công ty đang khốn khổ vì giá dầu thấp, còn các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ nói chung cũng đang ở trong tình trạng tồi tệ.
Hôm 6/3, sau khi cuộc đàm phán tại Vienna giữa 14 quốc gia thành viên OPEC và 10 đối tác trong đó có Nga hình thành nên liên minh OPEC+, đã không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ sau khi Nga từ chối siết chặt nguồn cung để đối phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Theo thỏa thuận cũ, mức cắt giảm 2,1 triệu thùng/ ngày sẽ hết hạn vào tháng 3/2020. Các Bộ trưởng OPEC nhất trí cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng dầu/ ngày trong quý II/2020 nhằm bảo vệ giá dầu trong bối cảnh kinh tế chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói các nước sẽ tự do sản xuất từ ngày 1/4, sau khi thỏa thuận hiện nay kết thúc vào cuối tháng 3. Việc Nga từ chối tham gia vào kế hoạch của OPEC không phải là điều bất ngờ, bởi trước đó nước này đã bác bỏ kêu gọi của tổ chức này về việc cắt giảm sản lượng mạnh hơn cho đến cuối năm nay.