Mỹ phóng thử thành công tên lửa tầm xa mới, oanh tạc cơ "như hổ thêm cánh"
Một thông cáo báo chí của Lockheed Martin cho biết: “Trong cuộc thử nghiệm tại căn cứ Mũi Muga, bang California (Mỹ), tổ bay của phi cơ B-1B đã cho phóng hai tên lửa LRASM nhằm vào nhiều mục tiêu trên biển khác nhau. Cuộc thử nghiệm đã đạt được các mục tiêu chính đề ra và các mục tiêu đã bị tiêu diệt chính xác”.
Oanh tạc cơ chiến lược B-1B Lancer của Mỹ. |
LRASM là một loại tên lửa chống hạm thế hệ mới, được thiết kế để phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu quan trọng trong một đội tàu của đối phương. Ông David Helsel, giám đốc chương trình LRASM của Lockheed Martin cho biết: “Thành công của LRASM đã tạo tiền đề để dự án đạt cột mốc quan trọng mới, từng bước cung cấp cho Hải quân và Không quân Hoa Kỳ một loại vũ khí hiệu quả mới”.
Ý tưởng về LRASM được đưa ra trong một dự án nghiên cứu do Cơ quan Các dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) và Hải quân Mỹ thực hiện vào năm 2009. Mục tiêu của dự án này là chế tạo một thế hệ tên lửa chống hạm mới có tầm bắn xa hơn các loại vũ khí hiện tại, cho phép tàu chiến và máy bay có thể công kích đối phương ở khoảng cách an toàn. Theo Lockheed Martin, LRASM có tầm bắn hơn 320 km và được lắp đặt một đầu đạn xuyên phá nặng 450 kg.
Thiết kế của LRASM được dự trên tên lửa hành trình tầm xa JASSM-ER có tầm bắn ước tính vào khoảng 1.000 km. Hãng Lockheed Martin đã giành được gói thầu phát triển LRASM vào tháng 7 vừa qua, và trong tương lai nó sẽ được trang bị cho các máy bay như B-1B Lancer hoặc F/A-18 Super Hornet.
LRASM cũng phù hợp với chiến lược quân sự mới của Hải quân Mỹ. Trong bối cảnh lực lượng này đang nâng cao khả năng chiến đấu của mình, họ vẫn thiếu các loại tên lửa tầm xa. LRASM sẽ bổ trợ cho hai loại tên lửa chống hạm khác mà Mỹ đang có là RGM-84D Harpoon và tên lửa Kongsberg NSM, giúp Mỹ có nhiều lựa chọn để công kích đối phương.