Mỹ - Nhật lo ngại tên lửa chính xác nhất thế giới của Trung Quốc
Trong bài viết mang tựa đề "Khả năng Trinh sát – Tấn công tối tân của Trung Quốc", tác giả Ian Easton khẳng định sau nhiều năm nỗ lực, Trung Quốc đang nắm trong tay một số lượng lớn các loại tên lửa hành trình.
Điển hình, Quân đoàn Pháo binh số 2 có tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10. Hải quân Trung Quốc sở hữu tên lửa hành trình chống hạm có thể phóng từ tàu chiến hoặc từ mặt đất YJ-62. Không quân Trung Quốc được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất Yingji-63 và CJ-20.
Một vụ phóng tên lửatên lửa CJ-10 của Trung Quốc |
Với 500 tên lửa được triển khai trên 40 - 55 bệ phóng ba ống phóng di động tại Quân đoàn Pháo binh số 2, tên lửa hành trình tấn công mặt đất chiến lược CJ-10 của Trung Quốc có thể trở thành mối lo ngại lớn đối với giới hoạch định chính sách quốc phòng của Mỹ và Nhật Bản.
Trong đó, tên lửa CJ-10 có tầm bắn lên tới hơn 1.500 km. Về mặt lý thuyết, tầm bắn này có thể vươn tới toàn bộ những quần đảo trọng yếu của Nhật Bản.
Ngoài ra, 100 tiêm kích ném bom JH-7 và 30 máy bay ném bom H-6M của Hải quân Trung Quốc cũng được trang bị các tên lửa hành trình chống hạm với bán kính tấn công hơn 1.500 km. Hiện nay, Không quân Trung Quốc cũng đang sở hữu một vài máy bay ném bom chiến lược H-6 có khả năng tấn công những mục tiêu ở xa như đảo Guam của Mỹ.
Theo Viện Chiến lược 2049, các loại tên lửa tiên tiến có ý nghĩa chiến thuật và chiến lược vô cùng quan trọng. Xét về mặt kỹ thuật, so với tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình sẽ khó đánh chặn hơn bởi chúng có thể tấn công từ mọi góc độ và bay ở độ cao thấp.
Viện Chiến lược 2049 nhấn mạnh nếu Trung Quốc triển khai một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Đài Loan và Nhật Bản, Mỹ sẽ không kịp trở tay. Bởi các tên lửa tầm xa của Trung Quốc có thể tấn công vào lực lượng tàu thuyền và căn cứ không quân của Mỹ trước khi Washington kịp xoay sở triển khai ứng phó.
Máy bay ném bom H-6có khả năng tấn công những mục tiêu ở xa như đảo Guam của Mỹ |
"Ban đầu, quân đội Trung Quốc mới chỉ sở hữu loại tên lửa đạn đạo tầm trung Dongfeng-21C (DF-21C) với tầm bắn vươn tới lãnh thổ Nhật Bản. Tuy nhiên, giới chức tình báo Đài Loan tiết lộ quân đội Trung Quốc đã bắt đầu triển khai DF-16 – tên lửa đạn đạo tầm trung mới tham gia nhiệm vụ chống can thiệp", Viện Chiến lược 2049 cho biết.
Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đang phát triển các thế hệ tên lửa đạn đạo tầm trung với tầm bắn 5.000 km. Đây chính là mối đe dọa tấn công với đảo Guam, quần đảo Mariana, quần đảo Palau, bắc Australia, Alaska và các căn cứ của Mỹ tại Trung Đông.