Mỹ nghi ngờ chương trình vũ trụ của Trung Quốc
Reuters đưa tin trong nội dung Sách Trắng được công bố vào hôm nay (27/12), chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh chương trình vũ trụ sẽ giúp đảm bảo an ninh quốc gia và Bắc Kinh ủng hộ việc sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình nhưng phản đối một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian.
Còn lâu nay, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã đề ra mục tiêu biến Trung Quốc trở thành một cường quốc vũ trụ cũng như tiến hành các vụ thử tên lửa diệt vệ tinh phục vụ mục đích dân sự.
Hai phi hành gia Trung Quốc làm việc trên trạm Thiên Cung-2 hồi tháng 10. |
Sách Trắng của Trung Quốc cũng khẳng định chương trình vũ trụ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển toàn diện quốc gia.
"Trung Quốc luôn tuân thủ các quy định về việc sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình và phản đối hoạt động vũ khí hóa hoặc tạo ra một cuộc đua vũ trang trong vũ trụ", Sách Trắng của Trung Quốc viết.
Cũng theo Sách Trắng, chương trình vũ trụ của Trung Quốc "phục vụ nhu cầu phát triển của kinh tế, khoa học và kỹ thuật, an ninh quốc gia cũng như tiến bộ xã hội" song không nhắc tới lĩnh vực quân sự.
Dù Trung Quốc nhiều lần lên tiếng khẳng định theo đuổi chương trình vũ trụ vì mục đích hòa bình nhưng theo Bộ Quốc phòng Mỹ, việc Bắc Kinh mạnh tay đầu tư tiền vào nghiên cứu và nâng cao năng lực là nhằm ngăn chặn đối thủ sử dụng vũ khí trong không gian đối phó với Trung Quốc nếu không may xảy ra xung đột.
"Trong suốt 60 năm phát triển kể từ khi ngành công nghiệp vũ trụ ra đời vào năm 1956, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu lớn như phát triển bom nguyên tử, bom hydro, tên lửa, vệ tinh, tàu vũ trụ có người lái và tàu thám hiểm Mặt trăng", Sách Trắng Trung Quốc nhấn mạnh.
Hồi tháng trước, Trung Quốc đã hoàn thành sứ mệnh đưa hai phi hành gia lên làm việc ở trạm Thiên Cung-2 trong 30 ngày. Đây là sứ mệnh dài ngày nhất mà phi hành gia Trung Quốc từng thực hiện và là tiền đề để Bắc Kinh chuẩn bị đưa một trạm vũ trụ hoạt động thường trực trong không gian vào năm 2022.