Mỹ, Nga, Trung Quốc tranh cãi về Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an LHQ
15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) hôm 20/3 đã nhóm họp về vụ Triều Tiên tuyên bố phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 lớn nhất của nước này vào ngày 16/3. Bình Nhưỡng đã hứng chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) vì các chương trình tên lửa và hạt nhân kể từ năm 2006.
Theo Reuters, tại cuộc họp mới của HĐBA, Trung Quốc và Nga đổ lỗi các cuộc tập trận chung giữa Mỹ - Hàn Quốc đã khiêu khích Triều Tiên và làm gia tăng căng thẳng. Ngược lại, Washington cáo buộc Bắc Kinh và Moscow khuyến khích Bình Nhưỡng bằng cách bảo vệ họ trước nguy cơ bị áp thêm lệnh trừng phạt.
Một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc tiết lộ, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres "vẫn quan ngại sâu sắc về những chia rẽ đã ngăn cản cộng đồng quốc tế hành động về vấn đề này".
Suốt những năm qua, HĐBA chưa đạt thống nhất về cách xử lý vấn đề Triều Tiên. Nga và Trung Quốc, hai nước thành viên thường trực Hội đồng cũng có quyền phủ quyết như Mỹ, Anh và Pháp, lập luận rằng việc bổ sung các đòn trừng phạt sẽ không giúp ích gì, đồng thời muốn nới lỏng các biện pháp đó. Theo Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Geng Shuang, đây sẽ là một cử chỉ thiện chí để cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm bớt căng thẳng.
Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield ví việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt như động thái “thưởng cho Bình Nhưỡng vì đã không tuân thủ các nghị quyết của HĐBA".
Các đại diện Nga và Trung Quốc cũng một lần nữa bày tỏ những lo ngại về hạt nhân liên quan đến hiệp ước an ninh AUKUS, trong đó Australia sẽ phát triển chương trình tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cùng với Mỹ và Anh.
Mỹ và Anh đều bác bỏ những lo ngại trên, với lí do AUKUS không vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Phó Đại sứ Anh tại LHQ James Kariuki quả quyết, các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên đã vi phạm nhiều nghị quyết của HĐBA, nên không thể đem ra so sánh với AUKUS.
Tuấn Anh