Mỹ, Nga, Trung Quốc không muốn chứng kiến chiến tranh Hàn - Triều
Hôm 24/8, Thời báo Hoàn Cầu nhận định Mỹ sẽ không điều động binh sĩ đóng quân ở Hàn Quốc đi tham chiến bởi theo quan niệm của cả Bắc Kinh và Washington, bán đảo Triều Tiên vẫn được coi là “vùng phi quân sự”.
Truyền thôngTriều Tiên tuyên bố thanh niên nước này sẵn sàng gia nhập quân ngũ nếu chiến tranh bùng nổ. |
Trước đó hôm 22/8, tờ Reklama của Nga cho hay lâu nay Mỹ vẫn có “truyền thống kích động xung đột” với Triều Tiên hàng năm thông qua các cuộc tập trận thường niên với quân đội Hàn Quốc. Hành động của Mỹ là cái cớ để Washington tiếp tục triển khai quân đội tới đóng quân thường trực trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, bán đảo Triều Tiên còn được xem là tiền đồn để Mỹ chuẩn bị lực lượng đối phó với các cuộc giao tranh quân sự tiềm năng với Trung Quốc trong tương lai.
Còn theo Tổng biên tập tạp chí National Defense ở Moscow, ông Igor Korotchenko, do căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên có khả năng leo thang thành một cuộc chiến hạt nhân tổng lực, Nga sẽ làm hết sức để giúp Bình Nhưỡng và Seoul khôi phục nền hòa bình và ổn định trên bán đảo thông qua đàm phán.
“Trên hết, Nga không muốn chứng kiến một cuộc chiến xảy ra ngay cạnh biên giới lãnh thổ quốc gia”, ông Korotchenko nói.
Trong khi đó, chuyên gia Lu Chao thuộc Đại học Đông Liêu Ninh ở thành phố Đan Đông, khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên nhận định thái độ của Bắc Kinh trước cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên rất rõ ràng.
Theo ông Lu, Bắc Kinh không muốn Hàn Quốc hay Triều Tiên châm ngòi cho một cuộc xung đột gần cửa ngõ của Trung Quốc. Do đó, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên phớt lờ lời kêu gọi giữ thái độ kiềm chế từ Trung Quốc, sẽ chỉ khiến quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng rơi vào vòng xoáy căng thẳng.
Những căng thẳng gần đây giữa hai miền Triều Tiên xuất phát từ vụ việc hồi đầu tháng này, Bình Nhưỡng bị cáo buộc là thủ phạm bí mật đặt mìn ở khu vực biên giới, làm hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương nặng. Về phần mình, Triều Tiên đã phủ nhận lời buộc tội trên. Vài ngày sau đó, Seoul bắt đầu nối lại chương trình tuyên truyền chống Bình Nhưỡng trên loa phát thanh trong 3 giờ đồng hồ.
Căng thẳng leo thang tới đỉnh điểm hôm 20/8, khi Triều Tiên được cho đã bắn 4 quả đạn pháo về phía lãnh thổ Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn bán bố "tình trạng chiến tranh" ở khu vực tiền tuyến và ra tối hậu thư yêu cầu Seoul ngừng chương trình phát thanh chống Bình Nhưỡng.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Thời báo Hoàn Cầu, một nhật báo khổ nhỏ tại Trung Quốc, tờ báo này được quản lý bởi Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc.