Mỹ, Nga, Đức bất ngờ đồng chỉ trích Ukraine cản trở Minsk 2
![]() |
Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin (bên phải). |
Tuyên bố trên được chính ông Rüdiger Lentz, Giám đốc đồng thời là Chủ tịch điều hành Viện Aspen Mỹ ở Berlin, Đức đưa ra.
Theo những thông tin do ông Rüdiger Lentz công bố, trong thời gian từ ngày 1-3/5 vừa qua, đoàn đại biểu gồm các nghị sỹ Quốc hội Nga đã tham gia vào cuộc gặp 3 bên với các nghị sỹ Mỹ và Đức. Tham dự vào cuộc gặp này còn có nhiều chuyên gia quốc tế khác.
Trong cuộc gặp này, đoàn đại biểu 3 bên đã thống nhất được quan điểm cho rằng chính Ukraine là bên đang cản trở đến việc thực hiện Thỏa thuận Minsk-2.
“Các bên đều thấy rõ rằng chính Ukraine đang phải đối mặt với những vấn đề to lớn liên quan đến sự ổn định của Chính phủ Ukraine. Điều này cũng đồng nghĩa rằng chính quyền Ukraine cũng đang gặp vấn đề khi tiến hành các cuộc đàm phán. Xét từ khía cạnh này, tôi cho rằng sẽ là tốt hơn nếu như Mỹ, quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đến Chính phủ Ukraine sẽ có thông điệp rõ ràng về việc họ sẽ làm cách nào để thúc đẩy tiến trình đạt được thỏa thuận giữa các bên (về Minsk)”- Rüdiger Lentz nhấn mạnh.
Ông Rüdiger Lentz cũng đồng thời nhấn mạnh rằng mặc dù các bên đã tìm được tiếng nói chung trong vấn đề về giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng “quan điểm các bên vẫn khá xa nhau đối với vấn đề Crimea”.
Được biết, đây là lần hiếm hoi đoàn nghị sỹ Quốc hội Nga có cuộc tiếp xúc chính thức với đoàn nghị sỹ Đức sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra. Đoàn nghị sỹ Nga đã không tiếp xúc với các nghị sỹ Mỹ từ mùa hè năm 2013. Do đó, việc các bên không chỉ nối lại tiếp xúc mà còn đạt được sự đồng thuận trong quan điểm về cuộc khủng hoảng Ukraine có thể là tín hiệu tích cực đối với quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Từ tháng 4/2014, chính quyền Ukraine đã bắt đầu thực hiện cái gọi là “chiến dịch chống khủng bố” ở vùng Donbass. Đây là chiến dịch quân sự do chính quyền trung ương Ukraine tiến hành nhằm chống lại các lực lượng đòi ly khai ở hai tỉnh Donetsk và Lugansk.
Theo các số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc, cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến hơn 9 nghìn người thiệt mạng. Vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng này đã được nhiều lần đưa ra thảo luận trong các cuộc gặp của nhóm “Bộ tứ Normady” (gồm Nga, Ukraine, Đức, Pháp).
Tính từ tháng 9/2014 đến nay, “Bộ tứ Normady” đã thông qua một số văn kiện quan trọng về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine (Thỏa thuận Minsk, Minsk-2…) nhưng sau các thỏa thuận này, các bên vẫn cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận và tiếng súng vẫn chưa ngừng trên lãnh thổ Donbass.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Ria-Novosti, một trong những hãng tin lớn và uy tín nhất tại Nga cũng như trên thế giới.