Mỹ - NATO liên tiếp dọa Nga lĩnh 'hậu quả to lớn', nhưng hành động cụ thể vẫn là ẩn số
Cả Mỹ và NATO liên tiếp cảnh báo Nga sẽ đối mặt với những "hậu quả to lớn", nhưng hành động cụ thể ngăn chặn Moscow vẫn chưa được công bố.
Hôm 7/1, Washington khẳng định Moscow sẽ đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng”, nếu như cuộc đối thoại an ninh song phương giữa Nga – Mỹ thất bại trong việc ngăn chặn quân đội Nga tăng cường thêm lực lượng tới vùng biên giới giáp Ukraine.
Trong cuộc đối thoại diễn ra vào tuần tới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden, hoạt động điều động số lượng lớn binh sĩ và thiết bị vũ khí của Nga dọc vùng Donbass ở miền đông Ukraine, sẽ trở thành chủ đề chính để hai nhà lãnh đạo thảo luận.
Phương tiện quân sự của quân đội Nga trở về căn cứ sau đợt tập trận ở bán đảo Crimea hồi tháng 4/2021. (Ảnh: AP) |
“Sẽ rất khó để đạt được tiến triển thực tế nếu như Nga tiếp tục leo thang căng thẳng quân sự và tư tưởng thù địch”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trước các phóng viên ở Washington hôm 7/1.
“Chúng tôi đã nói rõ với Nga về những chuyện mà họ sẽ phải đối mặt nếu tiếp tục con đường đang đi bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế mà chúng tôi chưa từng dùng tới. Những hậu quả to lớn”, ông Blinken nhấn mạnh.
Các quan chức chính phủ Mỹ từ chối nói chi tiết về gói trừng phạt có thể thi hành với Nga trong trường hợp Moscow không lùi bước trong vấn đề Ukraine.
Song theo một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, đó sẽ là “thứ to nghiêm trọng hơn những gì Mỹ đã làm trước đây” và Mỹ cũng “thống nhất’ với các đồng minh về việc đưa ra những biện pháp trừng phạt, nếu như Nga có thêm hành động gây hấn.
Trước đây, trong cuộc gặp tại Thụy Sĩ hồi tháng 6/2021, Tổng thống Putin và Biden đã đồng thuận nối lại phiên đối thoại an ninh chiến lược.
Song các quan chức chính phủ Mỹ cảnh báo sau những cuộc đàm phán, phía Nga đã cho thực hiện chiến dịch đưa thông tin sai và không phản ánh đúng nội dung đã được đưa ra thảo luận giữa các bên.
Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho rằng một phần trong chiến lươc đối thoại của Nga là “đưa một danh sách gồm những yêu cầu hoàn toàn không có triển voọg để sau đó nói bên còn lại không thực hiện, và lấy cớ để có hành động tấn công”.
Những yêu cầu mà phía Nga đã đưa ra cho Mỹ và NATO nhằm hạ nhiệt tình hình căng thẳng liên quan tới Ukraine bao gồm yêu cầu NATO cam kết không để Ukraine trở thành thành viên của liên minh quân sự, và NATO không triển khai các loại vũ khí tới những nước có đường biên giới giáp Nga để tránh gây bất ổn an ninh của Moscow.
Về phần mình, Washington cho biết có thể đàm phán về một số yêu cầu của Moscow, nhưng không ít yêu cầu là không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, công ty tư vấn rủi ro chính trị có trụ ở ở New York là Eurasia Group đã xếp hạng hoạt động tăng cường năng lực quân sự của Nga gần biên giới Ukraine đứng vị trí thứ 5 trong danh sách Top 10 mối đe dọa hàng đầu của thế giới trong năm 2022, và chỉ đứng sau mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước phương Tây.
Theo Eurasia Group, việc Nga và phương Tây hòa giải là “dường như không thể”.
“Những cuộc đối mặt tầm gần giữa tàu chiến và máy bay quân sự của Nga và NATO sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn và nguy hiểm hơn, càng làm tăng nguy cơ xảy ra va chạm”, Eurasia Group nhận định.
Đáng nói, hôm 7/1, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định chính quyền của Tổng thống Biden hiện chưa cân nhắc chuyện cắt giảm số lượng binh sĩ triển khai tới Đông Âu và xem đây là hành động nhượng bộ Nga. Điều này hoàn toàn trái ngược với thông tin mà trước đó NBC News đăng tải.
Lời cảnh báo của Ngoại trưởng Mỹ Blinken được công bố chỉ sau vài tiếng đồng hồ NATO tiến hành cuộc họp trực tuyến để thảo luận về các động thái của quân đội Nga ở dọc biên giới giáp Ukraine.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, NATO cho biết các Bộ trưởng “nhấn mạnh Nga sẽ phải gánh chịu những hậu quả to lớn và phải trả giá đắt nếu có thêm hành động hung hăng chống lại Ukraine”.
Cho tới nay, cả Mỹ và NATO vẫn chưa công khai những hành động cụ thể sẽ thi hành để đối phó trước nguy cơ Nga tiến hành quân sự hóa thêm ở gần Ukraine. Trong khi đó, cả Nga và Trung Quốc đều đưa ra tín hiệu cho thấy họ đã chuẩn bị cho khả năng bị loại khỏi SWIFT, hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu.
Nói với TASS, ông Yury Ushakov, trợ lý hàng đầu của Tổng thống Nga, cho hay trong cuộc gọi trực tuyến hồi tháng 12/2021, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về “sự cần thiết có thêm những nỗ lực hình thành cơ sở hạ tầng tài chính độc lập để phục vụ giao thương giữa hai nước”.
Thực hư hàng ngàn lính Mỹ ở miền đông Ukraine, Nga vẫn tiếp tục điều quân bao vây?
Nga cáo buộc 4.000 lính Mỹ đang ở miền đông Ukraine, song hình ảnh vệ tinh phát hiện Moscow tăng cường quân cùng vũ khí tới bán đảo Crimea và một số khu vực khác.
Minh Thu (lược dịch)