Mỹ nâng cao lãi suất: G20 ủng hộ, các nước đang phát triển lo sợ
Tuy nhiên các bộ trưởng đều tin rằng nền kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi và do đó, lãi suất ở một số quốc gia phát triển sẽ phải được nâng lên.
“Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động kinh tế theo định hướng của ngân hàng trung ương, nhưng chỉ dùng chính sách tiền tệ sẽ không thể dẫn đến sự tăng trưởng ổn định”, khối các Bộ trưởng Bộ Tài chính các nước G20 và thống đốc ngân hàng trung ương các nước đưa ra tuyên bố chung.
Bộ trưởng Bộ Tài chính các nước G20 đã họp bàn tại thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5/9. |
“Chúng tôi nhận thấy rằng với tình hình kinh tế có những biến đổi tích cực, việc thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách nâng lãi suất rất có thể sẽ được áp dụng tại một số nước phát triển”.
Tuyên bố trên được đưa ra bất chấp sức ép từ phía các nước đang phát triển khi họ tin rằng việc nâng lãi suất của Mỹ sẽ là một rủi ro đối với sự tăng trưởng kinh tế.
“Chúng tôi có nghe được nhiều ý kiến khác nhau về quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED). Một số người cho rằng FED nên thực hiện việc này càng sớm càng tốt, trong khi đó lại có người cho rằng không nên làm vậy”, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Cevdet Yilmaz trả lời trong một cuộc họp báo.
Nhằm giảm thiểu những biến động của dòng tiền mặt khi được đổi từ các đồng ngoại tệ của các nước đang phát triển thành USD (và là một trong những lý do các nước lo ngại về việc FED nâng lãi suất), Bộ trưởng các nước G20 khẳng định họ sẽ tránh những bước đi bất ngờ.
“Chúng tôi sẽ điều chỉnh một cách cẩn thận và sẽ thông báo những động thái của mình một cách rõ ràng, đặc biệt là khi tiến hành những chính sách tiền tệ lớn, nhằm giảm thiểu những hệ quả tiêu cực, xóa bỏ sự mập mờ và nâng cao tính minh bạch”, Bộ trưởng các nước G20 cho biết.
Những lo ngại về những biến động có thể xảy ra do FED tăng lãi suất được hâm nóng khi các nhà đầu tư tỏ ra lo lắng về việc Trung Quốc, hiện có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang tăng trưởng chậm lại.
Bộ trưởng các nước G20 cho biết họ đã bàn về việc Trung Quốc hạ giá đồng Nhân dân tệ vào tháng 8, một bước đi mà nhiều chuyên gia cho rằng đây là nhằm điều chỉnh tình hình kinh tế hơn là nhằm thúc đẩy xuất khẩu của nước này.
“Nhiều người đã ủng hộ những biện pháp của Trung Quốc. Các bộ trưởng đều tỏ ra rất kiên nhẫn”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Sergei Storchak phát biểu trong một cuộc họp báo.
Việc Trung Quốc hạ giá đồng tiền của nước này, cùng với việc thị trường chứng khoán đang giảm điểm rất mạnh đều là một phần trên con đường khó khăn nhằm hướng đến một nền kinh tế tự do hơn.
Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde. |
“Đây là một sự chuyển đổi khó khăn và đương nhiên sẽ có những rủi ro nhất định. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã nhận được nhiều lời giải thích, cũng như cơ hội trao đổi ý kiến trong cuộc họp lần này”, giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde cho biết sau cuộc họp.
Tuy nhiên một số bộ trưởng lại tỏ ra không bằng lòng. Về phần giải thích của Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết: “Những gì họ đề cập đến vẫn không thỏa đáng và đáng lẽ phải rõ ràng hơn nữa”.
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Jack Lew nhấn mạnh rằng các nền kinh tế trên thế giới đang mong muốn Trung Quốc thiết lập tỉ giá hối đoái đúng với tình hình của thị trường.
“Nếu Trung Quốc thiết lập tỉ giá hối đoái dựa trên biến động của thị trường, họ cần phải làm vậy với những chính sách rõ ràng, dễ hiểu và nhờ đó củng cố vị thế của họ một cách tích cực”, ông Lew nói.