Mỹ muốn phá “thành trì” của Nga ở Đông Âu
Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Bridget Brink (giữa) |
Trong cuộc gặp với quyền Ngoại trưởng Prdinhestrovie Vitali Ignatev, bà Bridget Brink khẳng định: “Tôi đến đây để lắng nghe và xem xét xem các bạn đang phải đối đầu với những vấn đề và thách thức gì và Mỹ có thể trợ giúp các bạn như thế nào. Đây là chuyến đi đầu tiên của tôi đến Tiraspol nhưng tôi hy vọng nó sẽ là một trong nhiều chuyến đi của tôi đến đây”.
Ngoài việc đến Pridnhestrovie để “nghiên cứu tình hình một cách khách quan”, bà Bridget Brink còn mong muốn giúp Pridnhestrovie và Moldova “bình thường hóa quan hệ”.
Theo cơ quan báo chí Bộ Ngoại giao Pridnhestrovie, hai bên đã trao đổi một loạt vấn đề cấp bách liên quan đến việc bình thường hóa quan hệ giữa Pridnhestrovie với Moldova. Trọng tâm trong vấn đề này là cần phải hủy bỏ lệnh cấm các xe ô tô đăng ký ở Pridnhestrovie đi lại qua biên giới giữa hai bên. Ngoại trưởng Pridnhestrovie Vitali Ignatev cũng lên tiếng đề nghị Mỹ trợ giúp để chấm dứt tình trạng các công dân Pridnhestrovie bị bắt bớ do liên quan đến chính trị.
Đáng chú ý là cũng trong ngày 9/10, Tổng thống Pridnhestrovie Evghenhi Shevchuk đã tuyên bố với người dân nước này rằng Pridnhestrovie đang bị các thế lực bên trong và bên ngoài tiến hành các hành động chống phá để gây bất ổn về cả kinh tế và chính trị cho Pridnhestrovie.
Trước đó, ngày 26/2/2015, Thủ tướng Đức A.Merkel bày tỏ hy vọng rằng tình hình Pridnhestrovie sẽ không diễn biến theo kịch bản của Ukraine.
Đến tháng 5/2015, trong cuộc gặp với người đồng cấp Romania, Tổng thống Ukraine P.Poroshenko bày tỏ mong muốn Ukraine sẽ cùng với Romania “phá băng” xung đột ở Pridnhestrovie và “tạo điều kiện” đưa Pridnhestrovie trở lại nằm trong thành phần Moldova. Đến 21/5, Quốc hội Ukraine đã hủy bỏ 5 hiệp định hợp tác kỹ thuật-quân sự với Nga, trong đó có thỏa thuận về việc cho phép quân đội Nga quá cảnh qua Ukraine để đến Pridnhestrovie.
Mỹ muốn phá “thành trì” của Nga ở Đông Âu
Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 8/10 (trước khi bà Bridget Brink đến Pridnhestrovie), Thượng tướng Igor Sergun, Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu Nga nhận định, mục đích chính của Mỹ trong tương lai dài hạn là lập một vài đai bao vây Nga bằng mạng lưới các chế độ thân Mỹ.
Còn theo ông Aleksandr Peredziev, thành viên Hội đồng các nhà phân tích chính trị quân sự Nga, Pridnhestrovie hiện là khu vực duy nhất ở Đông Âu vẫn nằm dưới ảnh hưởng và sự bảo trợ của Nga. Do đó, Mỹ đang muốn phá đi “thành trì” này để tách Pridnhestrovie khỏi vòng ảnh hưởng của Nga, từ đó khiến quân đội Nga phải rút khỏi khu vực này. Ban đầu, Mỹ định thực hiện kịch bản này bằng vũ lực nhưng do tình hình thay đổi nhanh chóng, Mỹ lại mong muốn sử dụng “sức mạnh mềm”.
Người Mỹ đã rất nhanh nhạy khi đưa ra những tuyên bố hỗ trợ chính quyền Pridnhestrovie vào thời điểm này. Hiện Pridnhestrovie đang ở trong tình cảnh khó khăn về kinh tế khi chính phủ buộc phải thông qua quyết định chỉ trả 70% lương và tiền trợ cấp hưu, 30% còn lại sẽ được coi là các khoản nợ của nhà nước. Hơn nữa, ở Pridnhestrovie còn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm bùng phát bất ổn như Pridnhestrovie vẫn là nhà nước chưa được công nhận, không có chung biên giới với Nga, Ukraine và Moldova đã thực hiện phong tỏa Pridnhestrovie từ năm 2006 và đến 2014, mức độ phong tỏa đã được siết chặt hơn.
Trạm gác của lực lượng gìn giữ hòa bình ở Pridnhestrovie |
Một khó khăn khác cho Nga trong việc giữ ảnh hưởng ở Pridnhestrovie là hiện Nga chưa thực sự có những hoạt động tích cực tại khu vực này. Có vẻ như Nga đang hỗ trợ các chương trình xã hội ở Pridnhestrovie và Nga vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Pridnhestrovie nhưng xuất khẩu của Pridnhestrovie vào Nga trong nửa đầu năm 2015 giảm xuống chỉ còn 8%, trong khi xuất khẩu sang Romania là 15%, chưa kể lượng xuất khẩu sang Moldova và EU.
Xuất phát từ thực tế này, các doanh nghiệp Pridnhestrovie đang hướng mạnh xuất khẩu đến các nước EU, nhất là khi Pridnhestrovie sẽ nhận được chế độ ưu đãi khi xuất khẩu sang EU từ cuối năm 2015. Tuy nhiên, Pridnhestrovie sẽ phải nỗ lực rất nhiều nếu như muốn nhận chế độ ưu đãi này mà không phải thực hiện các nỗ lực tránh liên kết với Moldova và EU.
Rõ ràng, mặc dù người dân Pridnhestrovie vẫn hướng đến Nga nhưng yếu tố kinh tế sẽ đóng vai trò không nhỏ. Và từ kinh tế, nhiều sức ép về chính trị sẽ nảy sinh. Tuyên bố của bà Bridget Brink cho thấy Mỹ và châu Âu đã sẵn sàng “nhập cuộc” trong bàn cờ chính trị với Nga tại Pridnhestrovie.
Được biết, Pridnhestrovie tuyên bố độc lập tách khỏi thành phần Moldova vào năm 1990 sau khi một loạt các quốc gia trong thành phần Liên Xô cũ tuyên bố độc lập. Sau cuộc xung đột vũ trang vào năm 1992, Pridnhestrovie đã tách hoàn toàn khỏi Moldova nhưng không được Moldova chấp thuận. Vấn đề về quy chế cho khu vực này hiện vẫn chưa thể được giải quyết khi cộng đồng quốc tế vẫn coi Pridnhestrovie là phần lãnh thổ của Moldova. Pridnhestrovie có chung biên giới với Moldova và Ukraine mà không có bờ biển. Dân số Pridnhestrovie khoảng 500 nghìn người gồm 3 sắc tộc chính là người Nga, người Moldova và người Ukraine với tỷ lệ tương đương nhau.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Newsru, tờ báo chuyên đưa tin về tinh hình hình kinh tế, chính trị của Nga và các nước châu Âu, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. News được thành lập năm 2000.