Mỹ “mắc kẹt” trong tranh chấp Trung – Nhật
Sự gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản đang khiến cho nguy cơ Mỹ sẽ tiếp tục phải tham gia một cuộc chiến tranh mới đang ngày càng tăng cao. Điều này xuất phát từ việc Mỹ đã có những hiệp ước quân sự cùng Nhật Bản trong việc bảo vệ nước này khỏi các cuộc chiến tranh có thể xảy ra trong khu vực.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư |
Quần đảo Senkaku, theo cách gọi của người Nhật, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản kể từ năm 1895. Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đồng ý dừng việc tuyên bố chủ quyền của mình trong khu vực này. Tuy nhiên, vào tháng 9/2012, Nhật Bản đưa ra chính sách quốc hữu hóa ba hòn đảo nhỏ nhằm ngăn chặn các ý đồ của các chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc. Điều này tạo ra cho Trung Quốc một cái cớ để kích động và thổi bùng những tranh chấp chủ quyền.
Trong thời gian gần đây, các hành động khiêu khích của Bắc Kinh đã leo thang, từ việc đưa tàu ra khảo sát các hòn đảo cho đến việc cử máy bay chiến đấu quần thảo trên bầu trời khu vực quần đảo khiến Nhật Bản phải đối đáp bằng những hành động quân sự tương tự.
Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc mà đứng sau họ là chính quyền Bắc Kinh đã liên tiếp đưa những thông tin về một cuộc chiến tranh đã sắp đến. Báo chí Trung Quốc tuyên bố về một cuộc chiến quân sự “nhiều khả năng” sẽ xảy ra và người dân trong nước cần “chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”. Chiến dịch khiêu khích và nguy hiểm này được tân lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình giám sát với một động cơ nhằm chuyển hướng sự chú ý của người dân ra khỏi các vấn đề trong nước.
Không khí chính trị ở Tokyo cũng tạo ra một mối quan tâm lớn. Tân Thủ tướng Shinzo Abe, một người theo chủ nghĩa dân tộc đã thành lập một nội các mới với các chính trị gia sẵn sàng chia sẻ mục tiêu thúc đẩy chi tiêu quân sự Nhật Bản của ông và đối đầu với Trung Quốc. Nhật Bản liên tiếp từ chối những cuộc đàm phán liên quan đến quần đảo, tuyên bố rằng không có gì để thảo luận.
Chính quyền Obama đang cố gắng xoa dịu tranh chấp này, cử một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao tới Tokyo vào tuần trước để kêu gọi “một cái đầu tỉnh táo hơn để chiến thắng”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng từng nhắc đến một hiệp ước mà chính quyền Obama đã thông qua hai năm trước: Hiệp ước an ninh ràng buộc Mỹ bảo vệ Nhật Bản chống lại các cuộc tấn công đối với các hòn đảo nhỏ. Lập trường này được đưa ra để ngăn chặn một Trung Quốc đang trỗi dậy từ cuộc khủng hoảng, tuy nhiên cũng có nguy cơ khiến cho trách nhiệm của Mỹ trở nên nặng nề hơn.
Trung Quốc đang cố gắng để nắm quyền kiểm soát lãnh thổ, trong khi Tổng thống Obama sẽ phải lựa cho giữa việc hỗ trợ Nhật Bản trong một cuộc đối đầu quân sự và sự leo thang sẽ làm suy yếu “trục đến Châu Á” mà ông đã đề ra trong trọng tâm chính sách đối ngoại của mình.
May mắn thay, đã có những giấu hiệu “giảm nhiệt” trong tuần này. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cử một đặc phái viên tới Bắc Kinh để trao một bức thư cho Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhà lãnh đạo Nhật Bản, người sẽ tới Washington và có một cuộc thảo luận cùng Tổng thống Mỹ vào tháng tới, sẽ phải tìm cách làm giảm những căng thẳng với Bắc Kinh mà không khuấy động thêm vào mối quan hệ của hai nước. Với sự giúp đỡ của Mỹ, Nhật Bản nên trở lại với vấn đề về quần đảo Senkaku để giải quyết triệt để gốc rễ vấn đề.