Mỹ lo sợ hiểm họa an ninh quốc gia vì Trung Quốc xuất khẩu… nhôm giá rẻ
Nhôm có độ tinh khiết cao được dùng trong quá trình chế tạo các loại máy bay chiến đấu như F-18 hay F-35 của Mỹ cũng như nhiều loại xe bọc thép khác. Tuy nhiên, Mỹ hiện chỉ còn một nhà cung cấp nhôm tinh khiết là hãng Century Aluminum, sau khi nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này dã phải đóng cửa. Thế nhưng, hiện tại Century Aluminum cũng chỉ hoạt động năng suất tối đa là 40% do giá nhôm đang giảm mạnh.
![]() |
Hoạt động sản xuất máy bay F-35 của Mỹ trong tương lai có thể sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhôm Trung Quốc. |
Việc nhập khẩu nhôm tinh khiết từ nước ngoài đối với Mỹ cũng rất khó khăn. Hiện chỉ có một vài doanh nghiệp trên thế giới có thể cung cấp sản phẩm này, và phần lớn đều có trụ sở tại Nga, Trung Quốc và vùng Trung Đông.
Tình hình đã trở nên nghiêm trọng đến mức chính quyền Trump tiến hành một cuộc điều tra đối với nền công nghiệp sản xuất nhôm của Mỹ vào ngày 26/4, nhằm xác định xem liệu Mỹ có thể sản xuất nhôm tinh khiết cao để đảm bảo nhu cầu của chính phủ nếu chiến tranh xảy ra hay không.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhận định về tình trạng hiện này rằng: “Xét trên phương diện quốc phòng, việc chỉ có một nhà cung cấp một nguyên vật liệu quan trọng cho các hoạt động phát triển khí tài quân sự là rất, rất nguy hiểm”.
Ông Jesse Gary, Phó Chủ tịch của Century Aluminum cho biết: “Nền công nghiệp sản xuất nhôm giờ đây đã rất kiệt quệ. Hãng của chúng tôi hiện nay chỉ hoạt động 40% so với công suất tối đa. Như ông Ross đã nói, chúng ta đang đứng trước nguy cơ đánh mất nền công nghiệp này vĩnh viễn”.
Mỹ đã đánh thuế 370% đối với nhôm tinh khiết nhập khẩu từ Trung Quốc,.Và trong những năm qua, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương và Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã phối hợp tiến hành nhiều cuộc điều tra nhằm vào các công ty bị nghi trốn thuế nhập khẩu nhôm.
“Sự đi xuống của nền công nghiệp nhôm Mỹ đã trầm trọng hơn nhiều so với thị trường thép nói chung. Sự phát triển của nền công nghiệp nhôm Trung Quốc và sự thụt lùi của Mỹ đang diễn ra rất chóng vánh”, ông Gary nói.
Rào cản thuế quan không ngăn cản được tình trạng sản xuất nhôm dư thừa của Trung Quốc hiện nay. Trong tháng 2/2017, Trung Quốc đã sản xuất 2.95 triệu tấn nhôm, nhiều nhất từ trước tới nay. Điều này đã khiến chính phủ Trung Quốc phải chi ngân sách viện trợ cho các nền công nghiệp lớn, không chỉ có nhôm mà còn cả sắt thép, xi măng, thủy tinh.
Trong bối cảnh thị trường thế giới đang dần bão hòa, chính phủ Trung Quốc lo sợ tình trạng thất nghiệp và bạo động sẽ nổ ra nếu các ngành công nghiệp nặng này sụp đổ. Kết quả là họ phải chi các khoản ngân sách hỗ trợ để giúp các nhà máy có thể tiếp tục hoạt động và công nhân không bị mất việc làm. Nhiều doanh nghiệp sản xuất nhôm của Trung Quốc sẽ không thể hoạt động mà không có những khoản hỗ trợ này của chính phủ.