Mỹ “lên giọng”, Trung Quốc muốn đàm phán với Nhật về Senkaku
Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương phát biểu trên trang web của bộ này rằng các cuộc tranh chấp nên được giải quyết thông qua đối thoại.
Trung Quốc bày tỏ muốn giải quyết tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản bằng con đường đàm phán. |
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu hôm 18/1 rằng nước này sẽ không đưa ra bất kỳ sự nhân nhượng nào về tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nhưng sẽ “phản ứng bình tĩnh” để không khiêu khích Trung Quốc. Trước đó cũng trong ngày 18/1, ông Kishida đã có các cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ở Washington.
Trong cuộc hội đàm Mỹ - Nhật, bà Clinton đã đưa ra tuyên bố được coi là lời cảnh cáo đối với Trung Quốc về những hành động khiêu khích của nước này xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
“Chúng tôi công nhận quần đảo này (Senkaku/Điếu Ngư) chịu sự quản lý của Nhật Bản và chúng tôi phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào đe dọa sự quản lý của Nhật”.
Bà Clinton cũng tái khẳng định quan điểm của Hoa Kỳ rằng tuân thủ Hiệp ước an ninh với Nhật Bản, nước này sẽ bảo vệ Nhật chống lại các hành động thù địch của nước ngoài về quần đảo này.
“Về vấn đề an ninh khu vực, tôi tái khẳng định chính sách lâu dài của Mỹ về quần đảo Senkaku và các nghĩa vụ của chúng tôi theo hiệp ước”, bà Clinton phát biểu.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người bắt đầu nhiệm kỳ của mình tháng trước, đang tăng cường chi tiêu quân sự để đối phó lại những tuyên bố chủ quyền ngày càng quyết liệt của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Hôm nay, tờ Nikkei cho biết ông Abe sẽ gửi một lá thư riêng tới Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. Lá thư sẽ được ông Natsuo Yamaguchi, lãnh đạo một đảng liên minh với đảng LDP của ông Abe, chuyển tới nhà lãnh đạo Trung Quốc khi ông đến nước này ngày 22/1.
Trong một bài phát biểu mà ông Abe định nói tại thủ đô Indonesia nhưng không thể vì phải về nước giải quyết cuộc khủng hoảng con tin Algeria, Thủ tướng Nhật cho biết lợi ích quốc gia của Nhật Bản nằm ở việc duy trì các vùng biển châu Á “chắc chắn phải thông suốt, tự do và hòa bình”.
Theo ông Abe, các vùng biển phải “được quản lý bằng luật lệ chứ không phải bằng sức mạnh”.
Trả lời câu hỏi của một phóng viên về bài phát biểu trên của ông Abe, phát ngôn viên Tần Cương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Chúng tôi hi vọng rằng Nhật Bản sẽ đi theo xu thế của lịch sử, chịu trách nhiệm và nỗ lực thúc đẩy ổn định và phát triển ở châu Á”.
Những tín hiệu vừa qua của Trung Quốc cho thấy nước này có thể sẽ tìm cách làm giảm căng thẳng về vấn đề tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Hôm 17/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố nước này gắn bó với mối quan hệ “vô cùng quan trọng” với Nhật Bản và muốn giải quyết cuộc tranh chấp thông qua đối thoại. Tuy nhiên ông này vẫn tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này.