Mỹ đưa 2 tên lửa Patriot tới Thổ Nhĩ Kỳ
Một cuộc thử nghiệm tên lửa PAC-3 Patriot tiên tiến |
Khẩu đội tên lửa của Mỹ là một phần trong chương trình tăng cường khả năng phòng thủ cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, trong thời gian tới, 4 khẩu đội Patriot khác từ Đức và Hà Lan cũng sẽ được triển khai tới vùng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Cả 6 khẩu đội Patriot này đều nằm dưới sự chỉ huy và giám sát của NATO và dự kiến chính thức đi vào hoạt động vào cuối tháng 1/2013.
Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh ủng hộ phe đối lập với tổng thống Bashar al-Assad, đang lo ngại trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng tên lửa Syria bao gồm tên lửa Scud trang bị đầu đạn hóa học. Những mối quan ngại trên hoàn toàn có cơ sở khi mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Leon E. Panetta thông báo cơ quan tình báo nước này đã phát hiện hoạt động triển khai vũ khí hóa học tại một số cơ sở hóa học tại Syria.
Mới đây, lực lượng trung thành với tổng thống Assad đã sử dụng tên lửa Scud để tấn công lực lượng quân nổi dậy tại khu vực phía bắc Syria. Hàng loạt tên lửa Scud được sử dụng để tấn công quân nổi dậy mới chỉ mang đầu đạn thường song chính những cuộc đàn áp này đã minh chứng cho khả năng chính quyền của tổng thống Assad đang sẵn sàng sử dụng tên lửa để tiếp tục làm tiêu hao lực lượng quân nổi dậy.
Vào hồi tuần trước, các bộ trưởng ngoại giao NATO đã chính thức phê chuẩn quyết định đưa khẩu đội Patriot tới Thổ Nhĩ Kỳ. Để chuẩn bị cho hoạt động triển khai khí tài, giới quan chức đồng minh cũng đã tiến hành điều tra 10 vị trí tiềm năng mà phần lớn tại khu vực đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, để đưa 1 hoặc nhiều khẩu đội Patriot tới phòng thủ.
Tuy nhiên, các quốc gia NATO lại không có đủ số tên lửa Patriot để triển khai tới những vị trí đã định. Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang khi Iran và Triều Tiên đối đầu với Mỹ cùng các quốc gia đồng minh với Mỹ tại châu Á thông qua hoạt động phóng tên lửa tầm xa hôm 12/12, các quan chức Mỹ đều không muốn triển khai thêm nhiều khẩu đội Patriot tới Thổ Nhĩ Kỳ do họ chưa thể chắc chắn khoảng thời gian hệ thống tên lửa cần ở lại lãnh thổ nước này.
Giới ngoại giao NATO cho rằng ý nghĩa của việc Mỹ triển khai tên lửa Patriot tới Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhằm thể hiện cam kết giúp Thổ Nhĩ Kỳ tránh nguy cơ đối mặt với các cuộc tấn công từ Syria. Theo đó, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết sẽ phải mất 3 tuần để chở và triển khai 2 khẩu đội Patriot của nước này trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Khả năng trong thời gian tới khẩu đội Patriot từ Đức và Hà Lan sẽ nhanh chóng được triển khai và mỗi quốc gia cũng sẽ đưa khoảng 400 lính tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện nay, Mỹ, Đức và Hà Lan là 3 thành viên duy nhất thuộc NATO sở hữu hệ thống tên lửa PAC-3 Patriot tiên tiến và khẩu đội Patriot tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ là một phần trong hệ thống phòng không của NATO.