Mỹ điều B-52, tàu ngầm hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Kim Min-seok, cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc sẽ xem xét linh động thời gian có thể triển khai các vũ khí chiến lược của Washington tới khu vực này nếu cần thiết”.
Ông Kim không nêu chi tiết các loại vũ khí sẽ được điều động tới Seoul nhưng theo các nguồn tin, chúng có thể bao gồm máy bay ném bom B-52 được trang bị bom phá boongke, và tàu ngầm hạt nhân đang đóng ở căn cứ Yokosuka, Nhật Bản.
Quân đội Hàn Quốc được đặt trong tình trạng cảnh giới cao nhất. Nguồn: BBC |
Ông Kim khẳng định: “Chúng tôi đang trong tình trạng sẵn sàng cho một cuộc chiến với một lực lượng mạnh nhất nhằm đáp trả mọi khiêu khích từ phía Triều Tiên. Với nỗ lực kết hợp giữa Mỹ và Hàn Quốc, Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ hối hận nếu cố tình làm tới”.
Ngày 22/8, các phi cơ của quân đội Mỹ - Hàn gồm 8 máy bay chiến đấu F-16 và F-15K đã thực hiện ném bom mô phỏng vào các mục tiêu giả định nhằm thị uy sức mạnh trước các đe dọa từ Triều Tiên. Ngày 24/8, một quan chức Hàn Quốc cho biết, khoảng 10 tàu đổ bộ của Bình Nhưỡng đã rời căn cứ ở huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan, tiến về căn cứ hải quân Goampo. Nơi này cách Đường giới hạn phía bắc (NLL) trên biển Hoàng Hải, biên giới trên biển giữa hai miền, khoảng 60 km.
Trước đó, Bình Nhưỡng đã điều động khoảng 50 tàu ngầm và tăng cường gấp đôi lực lượng pháo binh ở vùng biên giới. Quân đội Triều Tiên cũng đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Hàng triệu thanh niên Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đầu quân ra trận nếu xảy ra chiến tranh.
Hàn Quốc một mực bắt Triều Tiên... xin lỗi
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm nay tuyên bố, Seoul sẽ không dừng chiến dịch tuyên truyền nếu Bình Nhưỡng không xin lỗi vì những hành động khiêu khích gần đây.
Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố trong cuộc họp với các trợ lý hàng đầu hôm nay: “Chúng tôi cần một lời xin lỗi rành rọt và các biện pháp để ngăn chặn sự tái diễn của các hành động khiêu khích và tình hình căng thẳng. Nếu không, chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục chương trình phát thanh và có các biện pháp thích hợp”.
Theo hãng tin Yonhap, bà Park yêu cầu Triều Tiên phải lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ nổ mìn khiến hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương tại khu phi quân sự đầu tháng này thì mới dừng các chương trình phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên.
Tuy nhiên, trước đó, Bình Nhưỡng đã lên tiếng bác bỏ trách nhiệm, khẳng định nước này không bí mật đặt mìn tại khu phi quân sự và kiên quyết không xin lỗi.
Ngay sau khi hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương nặng do nổ mìn tại khu vực phi quân sự, Hàn Quốc đã mở lại chương trình phát loa tuyên truyền chống Triều Tiên ở khu vực này vốn đã tạm dừng suốt 11 năm qua. Tới ngày 20/8, Triều Tiên ra tối hậu thư yêu cầu Hàn Quốc dừng chương trình phát loa tuyên truyền ở khu vực phi quân sự trong vòng 48 giờ, nếu không sẽ phải nhận các hành động đáp trả cứng rắn. Ngay trước khi hết hạn tối hậu thư trên, hai miền Triều Tiên đã quyết định đàm phán tại làng Panmunjom với hy vọng tìm ra được giải pháp chung để giảm bớt căng thẳng.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Yonhap, thông tấn xã duy nhất của Hàn Quốc, có trụ sở ở Seoul. Yonhap cung cấp các bản tin quốc nội và quốc tế dưới dạng báo chí và truyền hình cũng như các dạng truyền thông đa phương tiện khác tại Hàn Quốc. Yonhap còn có các thỏa thuận hợp tác với 65 thông tấn xã nước ngoài khác bao gồm Thông tấn xã KCNA của Triều Tiên.