Mỹ đi "nước cờ" cao tay, vừa ngăn Iran vừa chặn đường S-300 và S-400 Nga
Theo trang tin Avia.pro, việc các hệ thống phòng không và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo được điều động tăng cường tới Iraq như tuyên bố từ phía Tướng quân đội Mỹ cho thấy, Baghdad sẽ không mua các hệ thống phòng thủ S-300 và S-400 của Nga bất chấp Nga – Iraq đang thảo luận về vấn đề này. Nói cách khác, quân đội Mỹ cùng các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ sẽ đảm nhận trách nhiệm bảo vệ không phận của Iraq.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. (Ảnh:RIA Novosti) |
Trước đó, tại phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 10/3, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ Kenneth McKenzie đã hé lộ những hoạt động mới nhất của quân đội Mỹ tại khu vực Trung Đông.
“Chúng tôi đang trong quá trình triển khai các hệ thống phòng không, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tới Iraq nói riêng cũng như bảo vệ quân đội Mỹ trước các cuộc tấn công tiềm tàng từ phía Iran”, Tướng McKenzie nói.
Cũng theo Tướng McKenzie, hiện quân đội Mỹ có khoảng 5.000 người đang hoạt động tại Iraq.
Tuy nhiên, trong tuyên bố, Tướng McKenzie không đưa ra lý do cụ thể vì sao Iran có ý định tấn công Iraq trong thời gian tới.
Còn theo giới chuyên gia, khả năng các hệ thống phòng không của Mỹ không thể phát huy hiệu quả trước đòn tấn công của lực lượng tên lửa đạn đạo Iran.
"Xét theo quỹ đạo bay, các tên lửa đạn đạo của Iran có thể bị hệ thống phòng không Patriot bắn hạ. Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng Patriot có thể bắn rơi một tên lửa đạn đạo của Iran trong vài giây kể từ khi hệ thống radar phát hiện gần như bằng 0", giới chuyên gia nhận định.
Căng thẳng Mỹ - Iran bùng phát kể từ khi Tướng Qassem Soleimani, Chỉ huy lực lượng Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái (UAV) của Mỹ nhằm vào khu vực gần sân bay quốc tế Baghdad hôm 3/1.
Nhằm trả thù cho cái chết của Tướng Soleimani, hôm 8/1, Iran đã cho phóng 16 tên lửa đạn đạo nhằm vào hai căn cứ không quân Erbil và al-Asad ở Iraq, nơi đồn trú của quân đội Mỹ. Ngoài ra, Tehran còn thề đánh đuổi quân đội Mỹ ra khỏi khu vực Trung Đông.
Lầu Năm Góc xác nhận, cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran đã khiến hơn 100 binh sĩ Mỹ mắc chấn thương sọ não.
Sau vụ tấn công trên, tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Karim Elaiwi, một thành viên của Ủy ban An ninh và Quốc phòng thuộc Quốc hội Iraq cho hay Baghdad đang cân nhắc mua hệ thốngtên lửa phòng không S-400 hiện đại của Nga do lo sợ Mỹ sẽ dừng hậu thuẫn Iraq.
“Chúng tôi đang bàn về hệ thống tên lửa S-400 của Nga, nhưng cho tới nay chưa có hợp đồng nào được ký kết. Chúng tôi cần những tên lửa này đặc biệt là sau khi người Mỹ khiến chúng tôi thất vọng nhiều lần vì không nhận được những vũ khí phù hợp”, ông Elaiwi nhấn mạnh.
Trước đó, người đứng đầu Ủy ban An ninh và Quốc phòng thuộc Quốc hội Iraq là ông Mohammad Reza cũng cho biết, Baghdad đã nối lại đàm phán với Nga về thương vụ mua hệ thống phòng không S-300. Tuy nhiên, ông Reza từ chối cung cấp thêm chi tiết.
Hồi tháng 9/2019, truyền thông Iraq cho hay chính phủ nước này muốn mua hệ thống phòng không S-300 của Nga. Nguyên nhân xuất phát từ việc Mỹ đã nhiều lần từ chối cung cấp các hệ thống phòng không hiện đại cho Iraq.