Mỹ đề nghị viện trợ lương thực cho Triều Tiên
Nền nông nghiệp yếu kém khiến Triều Tiên không thể tự cung tự cấp nguồn lương thực cho người dân |
"Chính sách của chúng tôi trong chương trình ủng hộ nhân đạo là dựa trên nhu cầu thực tế. Nếu đề nghị viện trợ được đưa ra, tôi chắc chắn sẽ quan tâm tới vấn đề này", đại sứ Mỹ chịu trách nhiệm về vấn đề nhân quyền tại Triều Tiên - Robert King trả lời báo chí hôm 22/4.
Tuy nhiên, ông King cho rằng mọi lời đề nghị sẽ phải cân bằng với yêu cầu từ các nước khác bao gồm Mỹ trong việc "giám sát hoạt động vận chuyển hàng viện trợ".
Giữa lúc tình hình căng thẳng chiến sự trên bán đảo Triều Tiên không ngừng gia tăng với hàng loạt lời đe dọa tấn công không thương tiếc với Mỹ và Hàn Quốc trong những tuần gần đây, giới chức Mỹ khẳng định họ vẫn cần tới Bình Nhưỡng để đánh giá tiến độ công việc cũng như quản lý hoạt động phân phát hàng cứu trợ.
Lần gần nhất Mỹ viện trợ lương thực cho Triều Tiên là khoảng thời gian cuối năm 2008 – tháng 3/2009. Trong đó. 170.000 tấn lương thực trong tổng số 500.000 tấn đã được chuyển tới Bình Nhưỡng cho tới khi quốc gia cô lập trục xuất các nhân viên phụ trách hoạt động cấp phát viện trợ về nước.
Trước đây, Mỹ đã lên kế hoạch nối lại hoạt động viện trợ cho Triều Tiên vào tháng 4/2012. Trong đó, Washington đồng ý cung cấp 240.000 tấn lương thực cho Bình Nhưỡng đổi lại quốc gia cô lập phải ngừng mọi hoạt động phát triển hạt nhân bao gồm việc làm giàu uranium và cho phép các quan sát viên của Liên Hiệp Quốc tới làm việc.
Tuy nhiên, những kế hoạch này đã gặp thất bại do Triều Tiên thất hứa và tiếp tục thực hiện các vụ phóng tên lửa. Song ông King khẳng định việc ngừng chương trình viện trợ không liên quan tới những thất bại trong các thỏa thuận chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. "Chúng tôi quyết định ngừng chương trình viện trợ lương thực do không thể kiểm soát hoạt động phân phát và Triều Tiên đã không làm đúng theo thỏa thuận", ông King nói.
Kể từ năm 2009, Bình Nhưỡng cũng không đưa ra bất cứ lời yêu cầu nối lại viện trợ lương thực ngay cả khi Washington nhắc tới chương trình này tại các cuộc đối thoại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Những báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc cho thấy cuộc khủng hoảng lương thực đã bớt căng thẳng song nhiều người dân Triều Tiên đặc biệt tại các khu vực nông thôn bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng, vẫn không có đủ hàm lượng dinh dưỡng cần thiết trong bữa ăn hàng ngày.
Trong khi đó, một số báo cáo cho rằng Bình Nhưỡng đang đề nghị viện trợ lương thực từ Mông Cổ, song đại sứ King chưa xác nhận thông tin này. "Báo cáo từ các tổ chức hoạt động tại Triều Tiên cho thấy quốc gia này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là vấn đề lương thực", ông King chia sẻ.