Mỹ “đau đầu” khi Trung Quốc và Nga bị nghi lấy cắp thông tin mật
Các quan chức tình báo lo ngại rằng cơ sở dữ liệu này có thể được dùng để nhận dạng, lập tiểu sử, xác định và có thể đe dọa hoặc tuyển mộ các đặc vụ tình báo của Mỹ trên khắp thế giới.
Việc phân tích các dữ liệu này sẽ cho biết “ai là nhân viên tình báo, người này di chuyển đến đâu và khi nào, ai gặp vấn đề tài chính và sức khỏe, từ đó có được cái nhìn tổng thể”, ông William Evanina, chuyên gia phản gián hàng đầu của Mỹ cho biết.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Bắc Kinh năm 2014. |
Trong những tháng vừa qua, hacker được cho là của chính phủ Trung Quốc đã đánh cắp thông tin cá nhân của hàng triệu người Mỹ qua Cơ quan Quản lý Nhân sự Mỹ (OPM) nắm giữ thông tin lý lịch của nhiều người vì lý do kiểm tra an ninh, cùng với tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Anthem và hai hãng hàng không United và American Airlines.
Cách thức tấn công rất đa dạng, không chỉ dừng lại ở đánh cắp thông tin sở hữu trí tuệ và bí mật quốc phòng. Thay vào đó, các hacker hướng đến xây dựng một cơ sở dữ liệu về lý lịch của các quan chức ngoại giao Mỹ, đặc vụ tình báo hay những đối tác kinh doanh với Trung Quốc.
Thông tin của một số đặc vụ của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cùng những binh lính đặc nhiệm đã bị lộ trong một đợt tấn công mạng vào OPM, một sự kiện mà chuyên gia phản gián Joel Brenner gọi là “đòn đánh mạnh” đối với tình báo Mỹ.
Nga cũng được cho là có liên quan đến hai vụ rò rỉ thông tin chính phủ vào đầu năm nay. Vào tháng 4, các hacker được cho là của Nga đã xâm nhập vào hệ thống mạng mở của Nhà Trắng và đánh cắp lịch trình và nội dung các cuộc đàm thoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Vào tháng 7, hacker Nga được cho là đã vô hiệu hóa hệ thống thư điện tử nội bộ của Lầu Năm Góc trong hai tuần và phát tán một số lượng lớn dữ liệu lên hàng ngàn trang web.
Các dữ liệu bị đánh cắp có thể sẽ trở thành công cụ để các chính phủ nước ngoài gây sức ép lên một số cá nhân. Tuy nhiên, đe dọa có thể không phải là mục đích duy nhất của các hacker.
Chuyên gia an ninh mạng Dave Aitel cho biết: “Đây không đơn giản chỉ là đe dọa, mà nó nhằm tìm hiểu phạm vi hoạt động tình báo của Mỹ, theo dõi mọi mối quan hệ và khiến Mỹ không thể che giấu được các kế hoạch bí mật của mình.”
Ông Aitel nhấn mạnh rằng việc các hacker xâm nhập hệ thống của hãng United Airlines là rất đáng chú ý, bởi đây là hãng hàng không chính hoạt động tại Sân bay Quốc tế Dulles, nơi gần tổng hành dinh của CIA nhất.
“Tất cả các nhân viên CIA và những khách mời nước ngoài đặc biệt đều xuống và lên máy bay tại sân bay Dulles và nhiều khả năng là họ sẽ chọn hãng United Airlines”, ong Aitel nói.
Chính quyền Obama hiện đang nỗ lực tìm cách để chống lại các đợt xâm nhập mạng mà không leo thang căng thẳng. Nhà Trắng đang xem xét các hình thức trừng phạt đối với Trung Quốc trong khuôn khổ một nghị quyết mà Tổng thống Obama đã thông qua vào tháng 4, cho phép nước này trừng phạt về tài chính cũng như cấm đi lại đối với bất kỳ ai có liên quan đến các vụ tấn công mạng.
“Chúng ta phải tin rằng Trung Quốc đã xâm nhập toàn bộ cơ sở dữ liệu của Mỹ vào thời điểm này”, ông Aitel nói. “Bất cứ thông tin nào mà Trung Quốc cần, họ xâm nhập để lấy chúng. Việc cấm vận kinh tế là hình thức đáp trả đúng đắn nhất”.