Mỹ đang "ngó lơ" tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông
Ngày 9/5, tàu canh gác bờ biển Philippines va chạm với tàu cá Đài Loan khi tàu cá này bị cáo buộc đã đánh bắt cá trái phép trong “vùng đặc quyền kinh tế” của Philippines. Lực lượng canh gác bờ biển Philippines đã bắn vào tàu cá Đài Loan và một ngư dân 65 tuổi đã thiệt mạng. Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã gọi đây là “vụ giết người máu lạnh”.
Mối quan hệ Đài Loan - Philippines “nổi sóng” do một ngư dân Đài Loan bị lực lượng canh gác bờ biển Philippines bắn chết. |
Sau đó, hai nước bước vào tình trạng rất căng thẳng. Tổng thống Philippines Benigno Aquino phủ nhận đây là vụ giết người nhưng đưa ra lời xin lỗi “của cá nhân ông” về vụ việc mà ông gọi là “không chủ ý” này. Đài Loan bác bỏ lời xin lỗi và các buộc Philippines “thiếu sự chân thành và sự tin cậy” trong việc hợp tác điều tra. Đồng thời, Đài Loan điều tàu hải quân tới khu vực xảy ra biến cố trên để bảo vệ các ngư dân của mình.
Phản ứng chính thức của Mỹ đối với vụ việc này là vô cùng ít ỏi. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ nói chung chung rằng Mỹ “hi vọng Philippines sẽ xúc tiến” điều tra còn Đại sứ Mỹ ở Philippines thì nói rằng “chúng tôi biết những sự việc như thế này sẽ được giải quyết thông qua đối thoại. Chúng tôi cho rằng họ sẽ giải quyết giống như các quốc gia dân chủ khác”.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Hoa Kỳ có đủ sức đón nhận được những hậu quả của việc bỏ mặc biến cố này (biến cố Đài Loan – Philippines), trong khi Philippines là đồng minh của Mỹ; hoặc xa hơn nữa là cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông hay không.
Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngư dân Trung Quốc bị các lực lượng hải quân Nhật Bản bắn chết “không chủ ý” và do “sơ suất”? Hay điều gì sẽ xảy ra nếu các tàu hải giám Trung Quốc ở biển Hoa Đông bắn chết một thành viên của lực lượng canh gác bờ biển Nhật Bản? Hoặc thậm chí là tồi tệ hơn, nếu một cuộc giao tranh xảy ra giữa chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản và máy bay hải giám Trung Quốc tại không phận gần Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc coi đó là lãnh thổ của mình?
Về tranh chấp trên biển Hoa Đông, nước Mỹ đã ủng hộ chính sách cứng rắn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ông Abe đã nói rõ rằng trong trường hợp xảy ra đối đầu giữa lực lượng Nhật Bản với tàu tuần tra hoặc máy bay hải giám Trung Quốc, Nhật Bản sẽ đáp trả mạnh mẽ, có thể sẽ bắn mà không cần hỏi trước, để bảo vệ chủ quyền của mình.
Nếu điều đó xảy ra thì các lực lượng Mỹ sẽ có trách nhiệm phải hỗ trợ Nhật Bản theo yêu cầu của Hiệp ước quốc phòng song phương mà hai nước đã kí kết mặc dù Mỹ chưa chính thức công nhận chủ quyền của Nhật hay Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Nếu xảy ra giao tranh Nhật – Trung về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thì hậu quả của nó sẽ khủng khiếp và khôn lường.
Căng thẳng Nhật – Trung về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đến nay vẫn chưa chấm dứt. |
Tất nhiên, các đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản, Philippines và cả Hàn Quốc đều sử dụng “con bài” tranh chấp chủ quyền để củng cố sự ủng hộ của dư luận trong nước. Tuy vậy, mặc dù cho tới nay không thiếu các đề xuất của các chuyên gia chính sách ở cả Mỹ và châu Á về giải pháp cho các cuộc xung đột ở Biển Đông và biển Hoa Đông nhưng chính quyền Mỹ - quốc gia đang thống lĩnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương – lại quyết định “ngó lơ”, để mặc tình hình tiến tới mức độ nguy hiểm.
Chỉ bày tỏ “hi vọng” và “khuyến khích” các quốc gia châu Á tự mình giải quyết các tranh chấp này bằng con đường hòa bình thì không phải là cách ứng xử của một cường quốc về ngoại giao, chính trị và quân sự. Rõ ràng với thái độ thờ ơ đó, Mỹ không đạt được tiến bộ nào trong việc củng cố vị thế của mình ở khu vực này.