Mỹ: Đàm phán với Triều Tiên không mấy hiệu quả
Mỹ: Đàm phán với Triều Tiên không mấy hiệu quả
Mỹ đàm phán về vấn đề hạt nhân với Triều Tiên
![]() |
Phái viên của chính quyền Triều Tiên mới ông Kim Kye Gwan thể hiện lập trường không có nhiều biến chuyển so với trước đây. Ảnh: AP |
Tờ Nhật báo phố Wall đưa tin rằng những đề xuất được phía Triều Tiên đưa ra không hề có biến chuyển cho dù nước này vừa có một vị lãnh đạo mới lên cầm quyền.
Đại diện đặc biệt của Mỹ về chính sách Triều Tiên, ông Glyn T. Davies nói rằng các nước đều không đạt được những thoả thuận cơ bản về hỗ trợ lương thực cho Triều Tiên cũng như các vấn đề khác
"Chẳng có khác biệt gì rõ rệt trong cách thể hiện quan điểm của Triều Tiên. Tôi không có ý nói rằng đó là tốt hay không. Đó chỉ đơn giản là ấn tượng của tôi khi tham gia đàm phán với họ", ông nói.
Ông Davies đã từ chối tiết lộ thêm chi tiết về những gì phái đoàn của Mỹ lượm lặt được về chính quyền mới của Triều Tiên.
Các cuộc đàm phán diễn ra trong tuần là cơ hội gặp mặt chính thức đầu tiên giữa hai phái đoàn Mỹ và Triều Tiên theo sau cái chết của ông Kim Jong-il vào cuối năm ngoái. Cuộc đàm phán hôm thứ 6 giữa ông Davies và phái viên Triều Tiên, ông Kim Kye Gwan đã được mở rộng ngoài dự kiến.
"Tôi nghĩ chúng tôi đã đạt được một chút tiến bộ trong quá trình đàm phán", ông Davies thông báo và nói thêm rằng thiện chí muốn đàm phán sớm của lãnh đạo mới sau khi nhận bàn giao quyền lực là rất tích cực và bản thân việc đó cũng đã thể hiện một mức độ tiến triển nào đó.
Các nhà phân tích trước đó đã nói rằng thoả thuận về việc nối lại các hoạt động hỗ trợ nhân đạo thực phẩm của Mỹ cho Triều Tiên sẽ là một dấu hiệu cho thấy Kim Jong-un đã hoàn toàn củng cố được quyền lực chính trị và sẵn lòng tiến tới các cuộc đàm phán với Washington. Mỹ đã thúc đẩy việc phân phát lương thực ở Triều Tiên một cách tích cực hơn nhưng vẫn chưa rõ lý do nào tiếp tục cản trở thoả thuận này.
Các nhà phân tích nhận định, kế hoạch hỗ trợ lương thực có vẻ sẽ là bước đầu thử thách những vấn đề "khó nhai" hơn trong mối quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là những tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Bình Nhưỡng trước đây đã tuyên bố những lời "mời mọc" hỗ trợ lương thực cho Triều Tiên được "gài" với chương trình hạt nhân của nước này. Washington đã bác bỏ mối liên quan giữa hai vấn đề. Rất nhiều người đã tin rằng hai nước gần như đã đạt được thỏa thuận về hỗ trợ lương thực ngay trước cái chết của ông Kim Jong-il.
Tuyên bố trước công chúng đầu tiên của chính quyền Kim Jong-un vào tháng trước, Bình Nhưỡng đã quay lưng lại với số hàng viện trợ Mỹ đề xuất cùng với những điều kiện đi kèm.
Ông Davies sẽ gặp gỡ các quan chức của Hàn Quốc và Nhật Bản trong hai ngày cuối tuần để tiếp tục bàn bạc với các đối tác tham gia trong vòng đàm phán 6 bên. Nga, Trung Quốc, Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản là các nước tham gia vào vòng đàm phán này.
Từ hơn một năm nay, Triều Tiên luôn tuyên bố đã sẵn sàng quay trở lại các cuộc đàm phán 6 bên. Năm 2009, nước này đã nói sẽ tẩy chay các cuộc đàm phán này. Mỹ cùng Hàn Quốc đã đặt điều kiện rằng Bắc Hàn cần phải triển khai một số bước trong việc ngừng chương trình hạt nhân thì mới có thể quay trở lại các cuộc đàm phán 6 bên.
Hoa Tạ