Mỹ có ý định đưa 5.000 quân tới sát Venezuela giữa lúc khủng hoảng?
Trong một bài phát biểu ngắn mới đây, Ngoại trưởng Colombia Carlos Holmes cho biết chính phủ của ông không biết vì sao ông Bolton lại có trong tay cuốn sổ này. Ông cũng nói thêm rằng Bogota sẽ tiếp tục “hành động một cách ngoại giao” để trật tự được lập lại ở Venezuela và các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức.
Bức hình của ông Bolton với cuốn sổ tay có dòng chứ "5.000 quân tới Colombia" ở dòng thứ 2. |
Tuần trước, Colombia, quốc gia láng giềng của Venezuela, đã cùng với Mỹ và nhiều quốc gia khác ủng hộ ông Juan Guaido, Chủ tịch Quốc hội Venezuela và là người trước đó đã tuyên bố mình là Tổng thống lâm thời của đất nước.
Khi được hỏi về cuốn sổ tay trên, một phát ngôn viên giấu tên của Nhà Trắng nói với hãng tin AP rằng “như Tổng thống đã từng nói, mọi lựa chọn đều đang được xem xét”.
Trước đây, chính quyền Trump cũng được cho là đã xem xét các lựa chọn để gây sức ép lên Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro để buộc ông từ chức. Gần đây, Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham khẳng định rằng ông Trump đã từng thảo luận với ông về phương án quân sự đối với Venezuela vài tuần trước.
Tuy nhiên, một đại diện của Bộ Quốc phòng Colombia nói với hãng tin Sputnik rằng chính phủ nước này sẽ không cho Mỹ mượn căn cứ để tiến hành chiến dịch quân sự đối với Venezuela.
Nói về những dòng chữ trên cuốn sổ tay của ông Bolton, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã viết trên Facebook: “Có thể thấy rằng “tiến trình mang dân chủ” cho Venezuela, hay còn gọi là quá trình gây bất ổn tại quốc gia này đang được tiến hành từ lãnh thổ Colombia. Vậy tại sao họ vẫn nói đến nguyên tắc không can thiệp vào vấn đề nội bộ của các quốc gia khác, từ bầu cử cho đến an ninh mạng, điều mà các nước phương Tây quan ngại sâu sắc trong những năm gần đây?”.
Trong khi đó, ông Guaido cũng xác nhận với hãng tin CNN rằng ông đã có cuộc trao đổi với ông Trump và các “nhà lãnh đạo khác trong khu vực”, tuy nhiên ông không nói rõ cuộc trò chuyện này diễn ra khi nào hay những gì mà hai người đã thảo luận.
Ông Guaido cho biết ông đã nói về việc giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở Venezuela và khôi phục nền dân chủ. Ngoài ra ông cũng phủ nhận cáo buộc của ông Maduro rằng Mỹ đang dàn dựng một cuộc đảo chính, đồng thời cho biết người dân Venezuela chỉ đang thực hiện quyền của mình theo quy định của hiến pháp.
Tình hình căng thẳng ở Venezuela đã bùng nổ vào tuần trước khi ông Guaido tuyên bố mình là Tổng thống tạm quyền của đất nước, một động thái đã nhanh chóng được Mỹ, Canada và một số quốc gia Nam Mỹ ủng hộ. Sau đó, Đức, Pháp, Anh và Tây Ban Nha đã bày tỏ ý định công nhận ông Guaido làm Tổng thống nếu một cuộc bầu cử mới không được thực thi trong vòng 8 ngày tới.
Mỹ vẫn đang xem xét phương án quân sự cho vấn đề Venezuela? |
Đáp lại, Tổng thống Maduro đã gọi ông Guaido là một “bù nhìn” và cáo buộc Mỹ dàn dựng đảo chính. Thêm vào đó, ông cũng tuyên bố rằng Caracas đang cắt đứt quan hệ với Washington và yêu cầu các nhân viên ngoại giao Mỹ phải rời Venezuela trong vòng 72 giờ đồng hồ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định ông Maduro không có thẩm quyền để trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ.
Về phần mình, Nga tuyên bố rằng ông Maduro là Tổng thống được dân bầu một cách hợp pháp ở Venezuela và ngỏ ý sẵn sàng làm nước trung gian hòa giải giữa chính phủ Maduro và phe cánh của ông Guaido.