Mỹ có thể "bắt tay" Triều Tiên như từng làm với Cuba?
Việc khôi phục và cải thiện mối quan hệ ngoại giao với Cuba được xem là quyết định khôn ngoan và dũng cảm của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Động thái của ông Obama đã chấm dứt chính sách cấm vận kéo dài hơn nửa thế kỷ qua với Cuba. Ngay cả những cuộc đối thoại sắp tới với Iran cũng cho thấy Mỹ đã sẵn sàng "bắt tay" với các quốc gia từng là đối thủ thay vì tiếp tục cô lập họ.
Trong quá khứ, Mỹ từng nhiều lần thi hành chính sách cô lập với một số nước nhưng không thu được kết quả như mong muốn. Điển hình, Washington áp dụng lệnh cấm vận với đảng Cộng sản Trung Quốc trong thập niên 50 – 60, với Việt Nam từ giữa thập niên 70 – 90; và với Iran cho tới hồi năm ngoái.
Quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên càng trở nên căng thẳng sau khi Tổng thống Obama áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt mới với Bình Nhưỡng. |
Thay vì theo đuổi chính sách hòa hợp với Bình Nhưỡng, Tổng thống Obama lại đang có những bước đi mang tính đối đầu với Triều Tiên. Đầu tiên phải kể tới phản ứng của Mỹ liên quan tới vụ tấn công mạng vào tập đoàn Sony. Sau cáo buộc Bình Nhưỡng là thủ phạm, ông Obama đã cho áp đặt hàng loạt lệnh cấm vận mới với quốc gia cô lập. Quyết định này đã làm trầm trọng thêm quan hệ vốn căng thẳng giữa hai nước, trong bối cảnh lâu nay, Bình Nhưỡng cho rằng lâu nay, Washington vẫn theo đuổi chính sách tăng cường cô lập và thù địch với chính phủ Triều Tiên.
Song, theo National Interest, khả năng Mỹ sẽ phải từ bỏ chính sách đối đầu hiện thời với Triều Tiên như từng làm với Havana và Tehran. Nói cách khác, chính phủ Mỹ nên cân nhắc việc thi hành một chính sách ngoại giao mới "kiểu Cuba" với Triều Tiên.
Nhưng khác với Cuba hay Iran, Triều Tiên còn là một "trường hợp ngoại lệ". Điển hình, trong những năm gần đây, Bình Nhưỡng đã không ít lần có những hành động nguy hiểm như tiến hành hai vụ tấn công vũ trang nhằm vào các mục tiêu tại Hàn Quốc. Do đó, chính quyền của ông Obama sẽ cần triển khai cách tiếp cận "hai đường song song" thay vì chỉ lặp lại chính sách hòa giải từng dùng với Cuba và Iran.
Triều Tiên từ bỏ chính sách thù địch?
Ngay cả khi bị đưa vào vòng vây cáo buộc là thủ phạm tấn công tập đoàn Sony tại Mỹ, trong những tháng gần đây, chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã liên tiếp có những dấu hiệu thể hiện tinh thần hợp tác. Điển hình, Bình Nhưỡng từng tuyên bố sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán cấp cao nhất trên nhiều lĩnh vực bao gồm khả năng tái thống nhất chính trị trên bán đảo Triều Tiên với chính phủ Hàn Quốc.
Song, National Interest nhận định không nên quá kỳ vọng vào những thay đổi của Bình Nhưỡng. Bởi trong quá khứ, tiếp sau động thái ôn hòa, quốc gia cô lập này sẽ đưa ra hàng loạt hành động hiếu chiến nguy hiểm. Ngoài ra, hy vọng về việc Bình Nhưỡng thực lòng từ bỏ chính sách thù địch vẫn chỉ là ước mơ xa vời.
Chính sách hiện thời của Mỹ là ép Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa. |
Do đó, Washington cần tìm cách để vừa hạ nhiệt căng thẳng với Triều Tiên vừa tiến tới bình thường hóa quan hệ với quốc gia cô lập. Tuy nhiên, chính sách hiện thời của Mỹ đã thất bại khi không thể mang tới những kết quả tích cực. Bởi chính sách ưu tiên hàng đầu của Washington mới chỉ tập trung vào việc ép Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Song, Mỹ đã thất bại.
Mặc dù, áp lực chính trị của Mỹ đã buộc hệ thống kinh tế thế giới tăng cường lệnh trừng phạt nhằm với Triều Tiên, khiến năng lực phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng bị chậm lại nhưng rõ ràng, quốc gia cô lập không hề từ bỏ tham vọng.
Đồng nghĩa với việc, ngoài những chính sách giúp hòa giải quan hệ từng làm với Cuba và Iran, Mỹ cần xây dựng cho mình một chính sách mới để xoa dịu mối quan hệ căng thẳng với Triều Tiên. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Mỹ cần tìm hướng đối thoại với Bình Nhưỡng về việc thay đổi lệnh ngừng bắn năm 1953 giúp chấm dứt cuộc chiến liên Triều (1950 – 1953). Đề xuất về việc xây dựng mối quan hệ toàn diện giữa hai nước cũng cần đưa lên bàn đàm phán hay việc Mỹ sẵn sàng giảm bớt hoặc phá bỏ toàn bộ lệnh cấm vận kinh tế với Triều Tiên nếu như quốc gia này đồng ý rút quân khỏi các đồn trú tại khu vực phi quân sự gần biên giới Hàn Quốc.
Nhưng Mỹ cũng cần có phương án dự phòng. Đó là phản ứng của Trung Quốc trong trường hợp Bình Nhưỡng bất ngờ quay lại thái độ thù địch. Theo National Interest, giới chức và chuyên gia phương Tây có xu hướng đánh giá quá cao vai trò của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng.
Hiện nay, Trung Quốc đang cung cấp gần một nửa thực phẩm và năng lượng cho Triều Tiên. Do đó, nếu Bắc Kinh giảm lượng cứu trợ, nó sẽ gây tác động trầm trọng tới nền kinh tế vốn đã nghèo khó của Triều Tiên. Tuy nhiên, trước những hành động khó lường của đồng minh thân thiết, Trung Quốc sẽ có thái độ phớt lờ. Bởi giới lãnh đạo Bắc Kinh lo ngại rằng chính sách khắt khe sẽ càng chọc giận Triều Tiên, dẫn tới cơn ác mộng chính trị. Hậu quả, Bình Nhưỡng có thể phát động chiến tranh chống lại các quốc gia đối địch mà khả năng là một cuộc chiến mới trên bán đảo Triều Tiên. Ngay cả khi, kịch bản chiến tranh không xảy ra, sự sụp đổ của chính quyền Triều Tiên cũng sẽ khiến hàng đoàn người tị nạn từ quốc gia cô lập kéo sang Trung Quốc đại lục, gây bất ổn an ninh chính trị.
Binh sĩ Triều Tiên đi tuần bên bờ sông Áp Lục nằm giữa biên giới Triều Tiên - Trung Quốc. |
Thậm chí, nhiều quan chức Trung Quốc còn lo ngại rằng Washington sẽ lợi dụng việc làm lành với Triều Tiên để thay đổi mối quan hệ liên minh quân sự với Hàn Quốc để xây dựng một bán đảo Triều Tiên thống nhất. Sau đó, Mỹ sẽ cho thiết lập các căn cứ quân sự mới tại khu vực phía bắc bán đảo Triều Tiên gần biên giới với Trung Quốc.
Mối lo ngại của Trung Quốc hoàn toàn có căn cứ bởi Washington đã quyết định mở rộng địa bàn hoạt động của NATO sang khu vực biên giới phía đông Liên bang Nga nhằm phát hiện những điểm yếu của Moscow sau thời Chiến tranh Lạnh.
Do đó, giới chức Mỹ cần gửi đi một thông điệp kép cho Bắc Kinh. Trước hết, họ cần đảm bảo với Bắc Kinh rằng ngay cả khi hai miền Triều Tiên thống nhất, Washington cũng sẽ không thay đổi quan hệ liên minh quân sự với Seoul và cũng không có ý định đưa các lực lượng quân sự Mỹ tới gần biên giới Trung Quốc.
Thứ hai, giới chức Mỹ cần nhấn mạnh với phía Trung Quốc rằng nếu như Bắc Kinh muốn Washington tôn trọng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Đông Á thì Bắc Kinh cũng cần có trách nhiệm duy trì trật tự tại khu vực này. Điều này đồng nghĩa với việc nếu như chính quyền Triều Tiên tiếp tục tồn tại, Trung Quốc cần có những biện pháp ngăn Bình Nhưỡng thi hành chính sách đối địch và thái độ khiêu khích chống lại các quốc gia láng giềng và Mỹ.
Nói tóm lại, chiến lược "hai đường song song" sẽ giúp chính sách ngoại giao của Mỹ đạt được những mục tiêu đã đề ra thay vì tiếp tục áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên. Do đó, những quyết định gần đây của Tổng thống Obama với Triều Tiên dường như đang quay trở lại với đống tro tàn thất bại.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.