Mỹ có dám dùng hạt nhân để ngăn Trung Quốc đến gần Đài Loan?
Giới lãnh đạo và cử tri Đài Loan đang phải đối mặt trước những lựa chọn lớn liên quan tới mối quan hệ tương lai với Trung Quốc. Còn Mỹ cũng cần suy tính cẩn thận về những cam kết an ninh đã hứa hẹn với Đài Loan. Vậy liệu Mỹ có sẵn sàng phát động một cuộc chiến chống lại Trung Quốc để ngăn Đài Loan không bị tái sáp nhập vào đại lục?
Tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửaUSS Georgia của Hải quân Mỹ. |
Tác giả J. Michael Cole của tạp chí National Interest nhận định nhiều người cho rằng hiển nhiên Mỹ sẽ tôn trọng những cam kết đã được ghi trong "Đạo luật Quan hệ Đài Loan". Tuy nhiên, bộ luật này được thông qua vào năm 1979 khi GDP của Trung Quốc mới chỉ bằng 1/20 so với Mỹ. Vào thời điểm đó, quy mô kinh tế toàn cầu của Trung Quốc lại quá nhỏ còn sức mạnh hải quân và không quân thì không đáng kể và viễn cảnh phát triển hoàn toàn dựa vào thiện chí của Mỹ. Do đó, nếu Mỹ - Trung xảy ra xung đột, Bắc Kinh mới là lực lượng chịu tổn thất về kinh tế và quân sự lớn hơn so với Washington. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác xưa.
Bởi Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế và là trung tâm của hoạt động thương mại toàn cầu. Nếu như dòng vốn đầu tư của Trung Quốc bị gián đoạn, Mỹ cũng sẽ là nước gánh hậu quả nặng nề hơn Bắc Kinh. Ngoài ra, về lĩnh vực quân sự, Mỹ không dám kỳ vọng sẽ giành được chiến thắng nếu phát động một cuộc chiến chống lại Trung Quốc để bảo Đài Loan. Năng lực "chống tiếp cận/chống xâm nhập" của Trung Quốc sẽ loại bỏ khả năng can thiệp trực tiếp của Mỹ nếu như Washington không thể làm giảm sút khả năng tấn công tầm xa của các căn cứ và lực lượng quân sự Bắc Kinh.
Thậm chí, Trung Quốc có thể tổ chức các đợt phản công nhằm vào quân đội Mỹ và các căn cứ đồng minh ở châu Á. Không lại trừ khả năng Trung Quốc còn cho thực hiện tấn công hạt nhân nhằm vào các thành phố của Mỹ.
Có thể nói trong hoàn cảnh hiện nay, nếu Mỹ - Trung xảy ra xung đột thì cả hai nước phải chịu tổn thất ngang nhau. Do đó, thật sai lầm khi nhiều người vẫn cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ lùi bước trước một khi cuộc khủng hoảng ở Đài Loan biến thành xung đột.
Ngoài ra, giới lãnh đạo Mỹ cũng cần tính tới việc chuyện gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh không chịu lùi bước trong khi căng thẳng tiếp tục leo thang. Liệu Mỹ có lùi bước trước? Danh tiếng lãnh đạo toàn cầu của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu như Washington chủ động đối đầu quân sự với Trung Quốc nhưng lại rút lui trước? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Mỹ không chịu lùi bước trước? Vị thế kinh tế trên thế giới của Đài Loan có bị sụp đổ? Liệu có đáng để tổ chức một cuộc chiến tranh hạt nhân nhằm vào Trung Quốc?
Tất cả những câu hỏi trên buộc giới lãnh đạo Mỹ phải suy đi tính lại cẩn thận trước khi phát động một cuộc đối đầu quân sự để bảo vệ Đài Loan. Và không loại trừ khả năng, những lời hứa hẹn bảo vệ Đài Loan mà Mỹ đã cam kết trong năm 1979 có thể sẽ không được duy trì cả trong hiện tại lẫn tương lai.
Vậy những người bạn và đồng minh của Mỹ tại châu Á thì sao? Họ sẽ không giúp Mỹ bảo vệ Đào Loan chỉ vì lo sợ Trung Quốc? Nhiều người dân Mỹ cho rằng các đồng minh ở châu Á sẽ sát cánh chiến đấu với Washington để bảo vệ Đài Loan. Tuy nhiên, ngay cả Australia, đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Á, cũng không chắc sẽ làm như vậy. Nếu như không phải Australia, Mỹ hy vọng các nước như Ấn Độ, Singapore, Việt Nam hay Philippines sẽ có hành động cụ thể chứ không chỉ là những tuyên bố ngoại giao ủng hộ Washington bảo vệ Đài Loan.
Kinh tế lớn mạnh, Trung Quốc tăng cường đầu tư hiện đại hóa quân đội nước này. |
Song, Nhật Bản lại là một trường hợp ngoại lệ. Dưới thời lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe, nhất là sau chuyến thăm tới Washington hồi tuần trước, không loại trừ khả năng Nhật Bản sẽ cùng Mỹ chiến đấu chống lại Trung Quốc. Nhưng ông Abe có thể đại diện cho tiếng nói của nước Nhật? Liệu các nhà lãnh đạo Nhật Bản trong tương lai có cùng quan điểm với ông Abe? Nếu như đồng thuận với ý kiến của ông Abe, Nhật Bản sẽ giúp Mỹ như thế nào?
Nhưng cho tới nay, không ai dám khẳng định Mỹ và các quốc gia đồng minh sẽ giúp bảo vệ Đài Loan trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Bởi Bắc Kinh đang nỗ lực không ngừng để hiện thực hóa tham vọng trở thành một nhà lãnh đạo trong khu vực cũng như giành vị thế dẫn dắt thế giới từ tay Mỹ.
Còn theo National Interest, nếu như có một quốc gia nào thay thế vị trí của Mỹ trong vai trò thiết lập trật tự tại châu Á thì chắc chắn đó là Trung Quốc. Do đó, người dân Đài Loan cần cân nhắc thận trọng trước việc nên hay không nên "chọc giận" Bắc Kinh.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.