Mỹ có dám đánh chặn tên lửa phóng thử nghiệm của Triều Tiên?
Đây là đề xuất mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đưa ra trước Quốc hội Mỹ, trong lúc Washington đang tìm cách để gây sức ép để buộc Triều Tiên giải giáp vũ khí hạt nhân mà không phải đối đầu quân sự trực diện.
Ảnh chụp một cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên. |
Cũng trong tuần này, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đến thăm Hàn Quốc, và tại đây ông nói rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “từ bỏ chính sách đối ngoại thất bại” mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã áp dụng, và thay vào đó sẽ dùng các chiến lược kinh tế và ngoại giao để đối phó với Bình Nhưỡng. Ông Pence cũng khẳng định rằng Mỹ “đang xem xét mọi lựa chọn” để đáp trả Triều Tiên.
Dù vậy, ông Han Song-ryol, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên mới đây đã trả lời hãng tin BBC rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa “mỗi tuần, mỗi tháng và mỗi năm”. Ông cũng cảnh báo rằng nếu Mỹ có động thái quân sự nhằm chống lại họ, một cuộc chiến tranh lớn sẽ nổ ra.
Tuyên bố trên được đưa ra trong lúc Bình Nhưỡng đang có kế hoạch phát triển một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể bắn đến Mỹ, cũng như việc tàu sân bay USS Carl Vinson cùng các tàu hộ tống đã được điều động đến bán đảo Triều Tiên.
Thêm vào đó, Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ cũng được thiết lập tại Hàn Quốc. Động thái này đã làm dấy lên một làn sóng phản đối không chỉ từ một số người dân Hàn Quốc mà còn cả Trung Quốc, khi họ tin rằng radar của THAAD có thể được dùng để theo dõi Bắc Kinh.
Nhà phân tích người Mỹ Patrick Lawrence cho biết, ông Trump cố tình ra lệnh không kích căn cứ Shayrat của Syria đúng vào thời điểm ông gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm gây sức ép với Trung Quốc đứng về phía Mỹ trong việc đối phó với Triều Tiên. Tuy nhiên động thái này sau cùng đã không đạt được hiệu quả như mong muốn.
“Lập trường của Trung Quốc rất rõ ràng. Họ không muốn bán đảo Triều Tiên xảy ra chiến tranh và muốn khu vực này không còn vũ khí hạ nhân. Họ sẽ làm những gì có thể, nhưng quan điểm này sẽ không bao giờ thay đổi. Họ muốn vấn đề Triều Tiên phải được giải quyết bằng đàm phán và tin rằng đây là phương án duy nhất”, ông Lawrence nói.
Cựu quan chức Quốc phòng Mỹ Abraham Denmark cũng tin rằng việc phóng tên lửa đánh chặn tên lửa thử nghiệm của Triều Tiên có thể sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng và ảnh hưởng đến Hàn Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia đồng minh với Mỹ trong khu vực.
“Tôi sẽ coi động thái này là một hành vi gây hấn, tuy nhiên tôi không thể nói trước phản ứng của ông Kim Jong-un sẽ như thế nào. Tôi lo rằng ông ta sẽ muốn đáp trả mạnh mẽ và không muốn tỏ ra yếu đuối”, ông Denmark nói.