Mỹ chưa thể làm gì khi tàu chiến còn cách Triều Tiên hơn 5.600 km
Trong những bức ảnh mới nhất được hải quân Mỹ công bố, nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu vẫn còn cách bán đảo Triều Tiên hàng ngàn kilomet và hướng di chuyển chưa tiến về phía bắc. Thông tin này hoàn toàn trái ngược với việc nhiều hãng tin thế giới cho rằng quân đội Mỹ sắp tấn công Bình Nhưỡng để ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Cụ thể, theo trang tin quân sự Mỹ Defense News, bức ảnh được quân đội nước này công bố hôm 15/4 cho thấy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson được điều động tới eo biển Sunda của Indonesia, khu vực nằm cách phía nam Singapore hàng trăm kilomet.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của hải quân Mỹ. |
Thông tin Mỹ điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tới gần bán đảo Triều Tiên đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông quốc tế sau khi Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh nếu cần thiết, Mỹ có thể một mình giải quyết chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Trump đã ra lệnh cho nhóm tàu USS Carl Vinson tới gần bán đảo Triều Tiên để phô diễn sức mạnh nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng tiến hành thêm các vụ thử tên lửa. Tuy nhiên, theo Defence News, nhóm tác chiến tàu sân bay này vẫn đang hoạt động cách bán đảo Triều Tiên khoảng 5.600 km.
Cũng theo trang tin của Mỹ, USS Carl Vinson sẽ tham gia các cuộc tập trận chung với quân đội Australia trên Ấn Độ Dương. Ngoài ra, Defence News cũng phủ nhận thông tin cho rằng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và Nimitz sẽ hoạt động chung với USS Carl Vinson.
Bởi hiện nay, USS Reagan đang trong thời gian bảo dưỡng ở Nhật Bản và dự kiến hoàn thành vào tháng Năm tới. Còn nhóm tàu sân bay Nimitz đang hoạt động ngoài khơi phía nam bang California. Theo kế hoạch, Nimitz sẽ được triển khai tới hoạt động chung với USS Carl Vinson ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, ông Li Jie cho hay sự thiếu minh bạch của Lầu Năm Góc trong hoạt động triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đang khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng leo thang.
"Đây là chiến thuật bắt nạt của chính quyền Tổng thống Trump nhằm đẩy nhà lãnh đạo Triều Tiên vào tình thế cảnh giác trước mối đe dọa từ nhóm tàu sân bay Mỹ. Tôi cho rằng đây không phải là cách hay để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên bởi ông Kim không quan tâm tới các mối đe dọa. Thay vào đó, ông Kim muốn có được lời hứa từ Mỹ, Trung Quốc và Nga để bảo toàn chính quyền Bình Nhưỡng", ông Li nói.