Mỹ cắt giảm 70% viện trợ, Ukraine có dám tấn công Donbass?
Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Tạp chí Foreign Policy, dựa trên các văn bản của các cơ quan ngân sách Mỹ, đã đưa tin rằng Mỹ dự định trong năm tài khóa 2018 (bắt đầu từ 1/10/2017) sẽ cắt giảm 68,8% khoản viện trợ tài chính cho Ukraine. Việc cắt giảm viện trợ của Mỹ sẽ khiến Ukraine khó khăn hơn trong việc áp đặt kịch bản quân sự cho vùng Donbass.
Theo Foreign Policy, ban đầu Mỹ dự định sẽ cấp cho Ukraine hơn 570 triệu USD nhưng sau đó, số tiền này bị cắt giảm chỉ còn 177 triệu USD.
Ngoài Ukraine, Mỹ còn dự định cắt giảm tài chính cho nhiều chương trình viện trợ cho các quốc gia đang phát triển khác.
Quan điểm của Bộ Ngoại giao
Kế hoạch cắt giảm chương trình viện trợ cho Ukraine đã được các quan chức Mỹ nói đến từ trước đó. Hồi đầu tháng 4/2017, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu và Á-Âu Bridget Brink đã phát đi các tín hiệu đáng lo ngại cho Kiev.
“Nguồn ngân sách này sẽ ít hơn so với trước kia. Tôi cho rằng việc cung cấp tài chính cho các dự án viện trợ quốc tế cũng sẽ bị cắt giảm”- bà Bridget Brink tuyên bố.
Ngoài ra, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst cũng khẳng định rằng “trợ giúp cho Ukraine sẽ bị cắt giảm”. Điều này không liên quan đến các chính sách của Mỹ với Ukraine mà là do các vấn đề nội bộ của Mỹ.
Trước đó, trong tháng 3/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng khẳng định ủng hộ đề xuất của Nhà Trắng trong việc cắt giảm 37% các khoản hỗ trợ tài chính quốc tế và chi tiêu cho các hoạt động đối ngoại.
Kiev vẫn trông chờ vũ khí Mỹ
Trong tuần vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Aleksandr Daniliuk tuyên bố rằng Kiev vẫn quan tâm đến các trợ giúp quân sự của Mỹ. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Washington cho biết họ có thể giúp Ukraine nhận được các đảm bảo tín dụng mới.
“Thời điểm hiện tại, Ukraine quan tâm đến việc nhận được các viện trợ quân sự từ Washington và duy trì các lệnh cấm vận kinh tế chống Nga nhiều hơn là các đảm bảo tín dụng khác”- ông Daniliuk tuyên bố trên The Washington Post.
Tuyên bố này của ông Daniliuk cũng nhận được sự ủng hộ của giới chức quân sự Mỹ. Trong tháng 3/2017, Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở châu Âu, tướng Kertis Scaparrotti nhấn mạnh rằng Mỹ cần phải tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Ukraine để chống lại các lực lượng đòi ly khai ở Donbass.
“Chúng ta cần tăng cường sức mạnh cho Quân đội Ukraine đến mức có thể để họ chiến đấu với các lực lượng thân Nga ở Donbass vì lực lượng này có các loại vũ khí rất mạnh”- ông Scaparrotti phát biểu trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ.
Trong khi đó, Moscow nhiều lần nhấn mạnh rằng họ không cung cấp vũ khí cho lực lượng ly khai ở Donbass và không phải một bên tham gia cuộc xung đột ở Ukraine. Chính quyền Nga cũng khẳng định họ mong muốn Ukraine vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị hiện nay.
Mỹ cắt giảm 70% viện trợ, Ukraine có dám tấn công Donbass? |
Mỹ vẫn chưa quyết
Hiện Mỹ vẫn đang trợ giúp quân sự cho Ukraine nhưng vấn đề cung cấp cho Ukraine các loại “vũ khí bay/vũ khí sát thương” đã nhiều lần được thảo luận nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Hồi cuối năm 2016, Thượng viện Mỹ đã đưa điều khoản về cấp cho Ukraine 350 triệu USD vào dự toán ngân sách quân sự. Nhưng đến tháng 3/2017, Ủy ban Ngân sách thuộc Hạ viện Mỹ đã đề xuất cắt giảm ½ số tiền này, xuống còn 150 triệu USD.
Dự thảo ngân sách quân sự Mỹ lần đầu tiên đề cập đến việc cung cấp cho Ukraine các “vũ khí bay”. Tuy nhiên, các nghị sỹ Mỹ vẫn “mặc cả” rằng Mỹ không được cung cấp các loại vũ khí phòng không cho Ukraine. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ hỗ trợ về mặt tình báo cho lực lượng quân sự và an ninh quốc gia Ukraine.
Bản dự thảo ngân sách được Ủy ban Ngân sách thông qua cho biết các khoản hỗ trợ cho Ukraine có thể được giải ngân trước ngày 30/9/2017 (kết thúc năm tài khóa 2017).
Hồi giữa tháng 2/2017, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob York đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin. Quan chức Mỹ khi đó tuyên bố rằng Washington muốn “hỗ trợ thực sự cho nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như tăng cường tiềm lực cho các lực lượng vũ trang Ukraine”.
Về phần mình, ông Klimkin cho rằng Ukraine đang cần đến vũ khí của Mỹ.
“Thực sự tôi luôn nói rằng tôi không thích sự phân chia giữa vũ khí bay với các loại vũ khí khác. Đã có một khái niệm rõ ràng về vũ khí phòng thủ và chúng tôi cần các loại vũ khí này. Chúng tôi cũng cần nhiều hơn đến các loại vũ khí công nghệ cao, chúng tôi cần hơn đến sự trợ giúp có hiệu quả của Mỹ và NATO so với các lĩnh vực khác”- Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố trên ZN.UA sau cuộc gặp với Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Hồi tháng 3/2017, Ukraine cũng đã đề nghị Mỹ trao cho Ukraine quy chế đồng minh ngoài NATO của Mỹ. Quy chế này sẽ cho phép Ukraine tiếp cận được với các loại vũ khí bị hạn chế và khả năng tham gia vào các sáng kiến phòng thủ của NATO.
Các chuyên gia phân tích chính trị-quân sự nhận định rằng, việc Mỹ cắt giảm 68,8% lượng tài chính dự định cung cấp cho Ukraine sẽ khiến chính phủ của ông Poroshenko gặp nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động và tập trung lực lượng tấn công Donbass thời gian tới.
Với tiềm lực hiện nay mà không nhận được thêm sự trợ giúp quân sự đủ mạnh của Mỹ và NATO, Ukraine sẽ khó có thể áp dụng kịch bản cứng rắn về quân sự với vùng Donbass thời gian tới.