Mỹ càng khiêu khích, Triều Tiên càng có thêm động lực sản xuất tên lửa đạn đạo
Chia sẻ trên tạp chí The Diplomat, ông Doug Bandow, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Cato và là cựu trợ lý cấp cao cho Tổng thống Ronald Reagan nhận định với Mỹ, thách thức an ninh lớn nhất hiện nay chính là mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng.
Bởi Triều Tiên được cho đang sở hữu lượng nguyên liệu hạt nhân đủ để sản xuất khoảng hơn 20 loại vũ khí hạt nhân. Mặc dù chưa ai có thể đoán chính xác vị trí tấn công mà các loại vũ khí hạt nhân Triều Tiên muốn nhắm tới nhưng rõ ràng không thể loại trừ khả năng trong số những địa điểm này có cả Hàn Quốc, Nhật Bản và các căn cứ của Mỹ trong khu vực. Đáng nói, trong những năm gần đây, kho hạt nhân của Triều Tiên cũng đang không ngừng gia tăng.
Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang liên tục nóng lên thì chính quyền của Tổng thống Donald Trump ra tuyên bố chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của Mỹ với Bình Nhưỡng đã chấm dứt. Giới chuyên gia nhanh chóng đặt ra câu hỏi liệu tuyên bố trên của Mỹ có khiến Triều Tiên thay đổi quan điểm hay khiến Bình Nhưỡng quan tâm?
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới thăm khu phi quân sự nằm giữa biên giới Hàn Quốc và Triều Tiên hôm 17/4. |
Trước đó, ông Trump từng nhấn mạnh mong muốn Trung Quốc "giải quyết" vấn đề Triều Tiên. Thậm chí, ông Trump cho rằng nếu Bắc Kinh không giúp đỡ, Washington sẽ hành động một mình. Tuy nhiên, ông Trump cũng nhanh chóng thừa nhận mình hiểu quá ít về vấn đề cũng như mức độ phức tạp đối phó với Bình Nhưỡng.
Theo ông Bandow, nếu không nổ ra chiến sự, Trung Quốc cũng không có cách gì để ngăn cản Triều Tiên tiếp tục nghiên cứu và phát triển tên lửa cũng như hạt nhân. Điều duy nhất mà Trung Quốc có thể làm hiện nay là gây áp lực kinh tế và cắt đứt quan hệ thương mại với Triều Tiên đặc biệt trong ngành lương thực và năng lượng. Song Bình Nhưỡng có thể sẵn sàng chấp nhận lệnh trừng phạt từ Bắc Kinh để tiếp tục đi trên con đường hạt nhân hiện thời.
Nhưng cái giá mà Triều Tiên phải trả có lẽ sẽ rất lớn. Trong giai đoạn cuối những năm 1990, hàng trăm ngàn người dân Triều Tiên đã phải chịu cảnh đói ăn trong khi nhà lãnh đạo đất nước lúc bấy giờ là ông Kim Jong-il vẫn quyết tâm theo đuổi sản xuất vũ khí hạt nhân và từ chối cải cách kinh tế.
Vậy hoàn cảnh hiện nay ra sao? Chính quyền của Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố mọi phương án đối phó với Triều Tiên, bao gồm hành động tấn công quân sự, đều đang nằm trên bàn thảo luận. Bản thân ông Trump và giới chức Mỹ cũng tuyên bố quân đội nước này đã điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson di chuyển tới gần bán đảo Triều Tiên. Hành động của Mỹ không chỉ nhằm phô trương sức mạnh mà còn là lời cảnh báo sẵn sàng tấn công nếu Triều Tiên có thêm hành động khiêu khích.
Trong chuyến thăm tới Hàn Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence còn tới khu phi quân sự (DMZ) và đứng cách khu vực binh lính Triều Tiên đứng gác chỉ 30m. Sau chuyến thăm của ông Pence, nhiều chuyên gia bắt đầu nghĩ tới việc liệu những tuyên bố mạnh miệng trước đây của Mỹ chỉ là hù dọa Triều Tiên. Và trên hết, "sự thiếu kiên nhẫn chiến lược" hiện thời của Mỹ cũng sẽ chịu chung số phận như chính sách "kiên nhẫn chiến lược" trước đây. Nói cách khác, dù trong thời gian tới, Mỹ có tuyên bố đe dọa tấn công Triều Tiên nhiều tới mức nào, Bình Nhưỡng cũng không còn quan tâm.
Có thể nói, chỉ sau cuộc gặp đầu tiên với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump mới hiểu được mức độ phức tạp trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Điều này khác xa so với nhận định trước đây của ông Trump rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể "kiểm soát" Triều Tiên. Nói cách khác, Bắc Kinh cũng không vì Washington mà hy sinh mối quan hệ với Bình Nhưỡng.
Bởi nếu Triều Tiên xảy ra biến cố chính trị, làn sóng di cư từ nước này sẽ ồ ạt tràn sang biên giới Trung Quốc. Không loại trừ khả năng số lượng nguyên liệu hạt nhân của Triều Tiên sẽ rơi vào tay của nhiều quốc gia và tổ chức khác. Do đó, để tránh được những hậu quả trên, chắc chắn trước khi cắt đứt quan hệ với Triều Tiên, chính phủ Trung Quốc sẽ yêu cầu Mỹ cam kết hỗ trợ để giải quyết khủng hoảng.
Lời đe dọa của Mỹ trở thành động lực để Triều Tiên quyết tâm sản xuất tên lửa tầm xa, có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ. |
Nhưng trong hoàn cảnh Mỹ hoan nghênh sự thống nhất ở bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc cũng không đồng tình với ý kiến này. Nguyên nhân là vì Hàn Quốc và Mỹ là hai quốc gia có mối quan hệ đồng minh quân sự. Nếu Triều Tiên bị xâm chiếm, binh sĩ Mỹ - Hàn sẽ áp sát biên giới Trung Quốc. Đây là điều Trung Quốc không mong muốn.
Mỹ cũng thừa hiểu rằng nếu tấn công Triều Tiên, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng khi mà hàng trăm ngàn hoặc thậm chí hàng triệu người sẽ thiệt mạng, bị thương hoặc phải đi tị nạn. Cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên sẽ còn nhanh chóng lan sang toàn khu vực Đông bắc Á. Do đó, chắc chắn, tấn công quân sự sẽ là phương án cuối cùng mà chính quyền ông Trump tính tới nhằm đối phó với Triều Tiên.
Theo ông Bandow, cách tốt nhất hiện nay chính là thuyết phục Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã khẳng định: "đáng tiếc là các cuộc thảo luận và đàm phán đều đã thất bại" và không còn lý do gì để thảo luận. Kế hoạch hiện nay của Mỹ là gây sức ép với Triều Tiên mà chủ yếu thông qua Trung Quốc để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Vậy biện pháp này có phát huy tác dụng?
Thực tế, những lời đe dọa càng mạnh mẽ từ Washington lại đang trở thành động lực để Triều Tiên quyết tâm phát triển các loại tên lửa tầm xa có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn còn thời gian để hiện thực hóa tuyên bố từ thời còn đang tranh cử Tổng thống rằng ông sẵn sàng nói chuyện với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Hoàn cảnh hiện nay cũng cho thấy với tư cách là một ứng cử viên tranh cử Tổng thống, ông Trump dường như "nhạy cảm hơn" với vấn đề Triều Tiên so với vị trí Tổng thống Mỹ đương nhiệm. Còn theo ông Bandow, nếu ông Trump không nhanh chóng thay đổi quan điểm hiện tại, chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ đương nhiệm cũng sẽ không khởi sắc gì hơn so với chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Barack Obama. Thậm chí, Mỹ có thể sa lầy vào cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên.