Mỹ bị tố "nuốt lời", điều quân trở lại 6 căn cứ trong khu vực giàu dầu mỏ ở Syria
Hồi đầu tháng 10, Tổng thống Donald Trump hạ lệnh rút quân đội Mỹ khỏi phía bắc Syria trước thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành “Chiến dịch mùa xuân hòa bình” nhằm tiêu diệt các lực lượng người Kurdthuộc phe phiến quân Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) vốn được Washington hậu thuẫn cả về mặt tài chính và vũ khí, hoạt động ở phía đông bắc Syria. Quyết định của Tổng thống Trump khiến nhiều quan chức Mỹ gọi đây là hành động “phản bội” người Kurd.
Quân đội Mỹ quay trở lại 6/16 căn cứ ở Syria. (Ảnh: AP) |
Tuy nhiên, sau đó, Mỹ lại thay đổi quan điểm và khẳng định một số binh sĩ Mỹ vẫn ở lại phía bắc Syria, mà theo tuyên bố của Lầu Năm Góc là nhằm bảo vệ các mỏ khai thác dầu mỏ của Syria khỏi rơi vào tay các nhóm khủng bố.
Damascus và Moscow nhiều lần lên tiếng chỉ trích động thái của Mỹ đồng thời cáo buộc Washington đang đánh cắp nguồn tài nguyên dầu mỏ ở Syria và yêu cầu Mỹ trả lại quyền kiểm soát các khu vực này cho chủ sở hữu hợp pháp.
Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, các binh sĩ Mỹ chủ yếu được điều động tới những khu vực giàu tài nguyên dầu mỏ ở phía bắc Syria, khu vực nằm sát biên giới với Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cụ thể, Mỹ đang nắm quyền quyền kiểm soát 11 căn cứ và tiền đồn trong đó có 5 cơ sở đặt tại tỉnh Deir ez-Zor và 2 cơ sở ở Raqqa. Thậm chí, quân đội Mỹ còn được cho đang tiến hành xây thêm hai tiền đồn ở tỉnh Deir ez-Zor.
Trước đó, Anadolu cũng cho biết Washington đã điều một nhóm chuyên gia tới mỏ dầu al-Omar ở tỉnh Deir ez-Zor, khu vực gần đây nằm dưới quyền kiểm soát của các tay súng người Kurd.
Theo thông tin từ Anadolu, những chuyên gia này được Mỹ điều động tới mỏ dầu al-Omar là nhằm thúc đẩy sản lượng khai thác cũng như huấn luyện người Kurd cách vận hành khu khai thác một cách hợp lý.