Mỹ "bất lực" nhìn đồng minh chĩa súng vào nhau
Tờ GlobalPost đưa tin cách đây vài ngày, lực lượng quân nổi dậy Syria được quân đội Thổ Nhĩ Kỹ chống lưng đã đụng độ với các chiến binh người Kurd bên trong lãnh thổ Syria. Hành động này đã tạo ra sự hỗ loạn bên trong liên quân của Mỹ trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ điều xe tăng, pháo binh và máy bay tới Syria hồi tuần trước để hỗ trợ cho phe ly khai nhằm đánh đuổi các tay súng khủng bố IS ra khỏi thị trấn biên giới Jarablus. Mỹ cũng tham gia chiến dịch này khi điều động lực lượng máy bay không người lái hỗ trợ tuần tra trên không.
Xe tăng của các tay súng người Kurd tiến về vùngKarkamis nằm giữa biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. |
Tuy nhiên, hướng tấn công của chiến dịch này lại không diễn ra như mong muốn của Mỹ. Bởi phe ly khai Syria được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lại chủ yếu tập trung tấn công vào liên minh quân sự gồm các tay súng người Kurd và Ả Rập hay còn gọi là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) ở phía nam thị trấn Jarablus.Điều đó cho thấy sự can thiệp của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu đang đem lại không ít lợi ích cho IS khi chính các thành viên trong liên quân lại đang chiến đấu chống lại nhau.
Trong khi đó, các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ đã tàn phá nhiều khu vực phía đông do người Kurd kiểm soát và phía tây sông Euphrates, giúp lực lượng nổi dậy thân Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria giành được ưu thế. Theo cơ quan giám sát nhân quyền Syria đặt trụ sở tại Anh, ít nhất 40 dân thường đã thiệt mạng trong các đợt không kích và đạn pháo của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28/8. song giới chức Ankara đã phủ nhận thông tin này. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định 25 tay súng "khủng bố" người Kurd đã bị tiêu diệt trong chiến dịch trên.
Tuy nhiên, hôm 29/8, Lầu Năm Góc đã lên tiếng chỉ trích đây là các cuộc đụng độ "không thể chấp nhận được" đồng thời kêu gọi các tay súng hạ nhiệt căng thẳng. Vị phát ngôn viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu cũng nhấn mạnh liên quân của Mỹ không không tham gia vào chiến dịch tấn công các tay súng người Kurd.
"Chúng tôi muốn nói rõ rằng đây là các cuộc tấn công không thể chấp nhận được và vô cùng đáng quan ngại. Liên quân không tham gia và cũng không hỗ trợ cho chiến dịch trên", vị phát ngôn cho hay.
Trận chiến hôm 28/8 xảy ra đúng thời điểm Mỹ và Nga đang nỗ lực đàm phán để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua tại Syria. Điểm bất đồng lớn nhất hiện nay giữa Mỹ và Nga là sự tồn tại của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi Nga và Iran ủng hộ Tổng thống Assad thì Mỹ và các nước trong liên minh quân sự lại muốn ông Assad từ chức.
Có thể thấy trong cuộc chiến chống lại IS, Mỹ đã nỗ lực gắn kết các lực lượng vốn không ưa nhau nhưng cùng chung mục tiêu chống lại IS, cùng tham gia vào liên minh quân sự. Cụ thể, phi đội chiến đấu cơ của Mỹ xuất phát từ căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ lên đường ném bom các cứ điểm của IS ở Syria và Iraq cũng như hỗ trợ trên không cho các tay súng người Kurd. Nhưng hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ lại đang tấn công lực lượng người Kurd.
Ngoài ra, Washington và Moscow đang tiến hành đàm phán hợp tác và chia sẻ thông tin tình báo để xác định mục tiêu tấn công IS chính xác hơn. Song ngay cả khi đối diện với kẻ thù chung IS, liên minh của Mỹ vẫn không hoàn toàn hợp nhất chiến đấu.
Điển hình dù chung mục tiêu là tiêu diệt IS, song lực lượng người Kurd ở Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lại không ưa nhau. Ankara cho rằng tổ chức YPG ở Syria là chi nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ coi là tổ chức khủng bố.
Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang mạnh tay đàn áp các chi nhánh PKK hoạt động ở nhiều thành phố ở nước này. Chính quyền Ankara lo ngại rằng một khi lực lượng người Kurd ở Syria giành quyền tự trị lớn hơn ở Syria, các tay súng người Kurd hoạt động bên trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhanh chóng bùng dậy. Đây là lý do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd ở vùng biên giới Jarablus.
Về phần mình, lực lượng người Kurd coi Thổ Nhĩ Kỳ là cái gai và vật cản trên con đường để họ giành quyền tự trị. Mỹ cũng đã nỗ lực để cân bằng giữa tham vọng của người Kurd và mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng kết quả không như mong đợi.
Hôm 29/8, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook cho hay Mỹ đang tìm cách ngăn chặn các cuộc giao tranh giữa các thành viên trong liên minh quân sự. Ông này cũng nhấn mạnh yêu cầu của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là YPG phải rút lui khỏi khu vực phía đông Euphrates.
Theo tờ GlobalPost, nếu Mỹ có thể thuyết phục YPG rút lui toàn bộ quân khỏi vùng phía đông Euphrates, đây sẽ là cơ hội để Washington khẳng định thêm cam kết đóng vai trò tích cực trong cuộc chiến chống IS cùng với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nếu chuyện này không xảy ra, một cuộc giao tranh giữa các đồng minh của Mỹ sẽ là điều kiện thuận lợi để IS có thời gian sắp xếp lực lượng trong bối cảnh lực lượng khủng bố bị bao vây tứ phía.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ GlobalPost, tờ báo trực tuyến của Mỹ tập trung vào lĩnh vực tin tức quốc tế. GlobalPost ra đời ngày 12/1/ 2009 bởi Charles M. Sennott và Philip S. Balboni với mục tiêu là "để xác định lại tin tức quốc tế cho đại kỹ thuật số". GlobalPost có 65 phóng viên trên toàn thế giới.