Mỹ, Anh, Nhật, Thụy Sĩ chung tay cùng vớt Châu Âu
Mỹ, Anh, Nhật, Thụy Sĩ chung tay cùng vớt Châu Âu
![]() |
GĐ ngân hàng TW Châu Âu, Trichet và GĐ Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ, Bernank nói chuyện bên lề một hội nghị. Ảnh Reuters |
Lo sợ rằng sự bế tắc của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ đe dọa hệ thống tài chính toàn cầu, các ngân hàng trên đã nhóm họp nhằm giúp các ngân hàng châu Âu không rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt để ổn định kinh tế như Hy Lạp và Ý.
Truyền thông quốc tế cho hay, các ngân hàng đã nhất trí bơm đô la Mỹ vào hệ thống ngân hàng châu Âu với giai đoạn đầu tiên kéo dài hơn 1 năm nhằm khôi phục lại niềm tin của các thị trường. Gần đây, một số ngân hàng bắt đầu gặp khó khăn trong việc vay đô la do các chủ nợ Mỹ ngày càng lo ngại về tình hình tài chính của họ.
Tờ New York Times nói rằng, động thái này của các ngân hàng đã kích thích các thị trường chứng khoán trên thế giới, làm tăng mạnh giá cổ phiếu của các ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nợ công Hy Lạp và các thành viên khác của khu vực đồng Euro đang gặp khó khăn. Đồng Euro sau thời gian giảm giá vừa qua đã phục hồi.
Động thái trên của các ngân hàng là do các bộ trưởng tài chính Châu Âu và các nhà làm chính sách sẽ nhóm họp vào ngày hôm nay và ngày mai tại Wroclaw, Ba Lan. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy F. Geithner, dự kiến cũng sẽ tham dự cuộc họp ngày mai, được trông chờ sẽ thúc giục các quan chức châu Âu hành động quyết liệt hơn để kiềm chế cuộc khủng hoảng nợ công hiện đã bắt đầu khiến châu Âu tăng trưởng chậm lại.
Các ngân hàng Trung ương thể hiện rõ quyết tâm sẽ không ngần ngại sử dụng sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn cuộc khủng hoảng làm sụp đổ khu vực đồng Euro.
Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết sẽ cho các ngân hàng vay đô la trong vòng ba tháng thay vì 1 tuần như trước đây để giúp các ngân hàng có khoảng thời gian dễ thở hơn từ nay đến cuối năm.
“Họ đang xích lại gần nhau và cùng nhau hành động”, bà Christine Lagarde, chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), phát biểu ở Washington hôm qua. “Đối với tôi đó là thông điệp quan trọng nhất”.
Nhưng bà Lagarde cũng cảnh báo rằng các nhà làm chính sách vẫn chưa hành động đủ mức và gợi ý họ cần hành động mạnh mẽ hơn nữa. “Chúng ta đã bước vào giai đoạn nguy hiểm của cuộc khủng hoảng”, bà nói “ Vẫn có một con đường đi đến sự phục hồi, nhưng đó là một con đường hẹp”.
Mặc dù các ngân hàng chắc chắn có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn, nhưng những vấn đề sâu xa vẫn chưa được giải quyết, như vấn đề liệu họ có đủ tiền để đối phó với khả năng Hy Lạp bị vỡ nợ hay không.
Một dự báo chính thức được công bố hôm qua, đã cảnh báo rằng tăng trưởng ở châu Âu sẽ trở thành “ sự đình trệ thực sự” từ nay đển cuối năm. Cũng theo dự báo này, châu Âu sẽ khó tránh khỏi một cuộc suy thoái kép.
Lê Dung