MV 'There’s no one at all' vẫn truy cập được từ nước ngoài, Sơn Tùng có tiếp tục phạm luật?
Nếu cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính và thu hồi sản phẩm nhưng cá nhân cố tình không thực hiện thì sẽ tiếp tục bị xử phạt và áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính.
Sau làn sóng chỉ trích từ dư luận, Sơn Tùng M-TP đã công khai xin lỗi công chúng và tạm ngưng phát hành MV 'There’s no one at all'. Tuy nhiên MV chỉ bị ngừng phát hành ở Việt Nam, còn khi truy cập từ nước ngoài vẫn có thể xem được.
MV 'There’s no one at all' vẫn truy cập được từ nước ngoài. |
Trao đổi với phóng viên Infonet về vấn đề này, TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, pháp luật Việt Nam luôn khuyến khích mọi tổ chức cá nhân sáng tạo nghệ thuật, tạo ra môi trường thuận lợi nhất để sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật.
Tuy nhiên hoạt động biểu diễn nghệ thuật phải tuân thủ quy định của pháp luật, không vi phạm các điều cấm của pháp luật để đảm bảo định hướng giáo dục, đạo đức, không làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, ảnh hưởng đến các chuẩn mực cộng đồng, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục.
Với những tác phẩm vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ bị thu hồi, bóc gỡ, người vi phạm sẽ bị xử phạt, tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm mà sẽ phải chịu các mức chế tài khác nhau của pháp luật.
Theo diễn biến mới nhất khi các cơ quan chức năng đã xử lý đối với MV “There’s no one at all', luật sư Cường cho rằng “hành vi sản xuất các tác phẩm nghệ thuật có nội dung tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội là đã bị xử phạt hành chính và buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả rồi (ngừng phát hành, bóc gỡ trên các nền tảng xã hội-PV)".
“Còn các sản phẩm đó bị phát tán trên không gian mạng, trên các nền tảng số ở nước ngoài mà bản thân người vi phạm không thể tự gỡ bỏ được thì cơ quan chức năng sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng để yêu cầu đơn vị đang lưu hành sản phẩm phải gỡ bỏ theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân đăng tải, phát tán các nội dung, clip, hình ảnh không phù hợp với pháp luật Việt Nam là hành vi đưa thông tin bị cấm trên không gian mạng, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Cơ quan chức năng có thể căn cứ vào quy định của luật an ninh mạng và các văn bản pháp luật có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Còn đối với người vi phạm ở Việt Nam mà không kiểm soát được những nội dung đã đăng tải lên không gian mạng thì họ không thể gỡ được, không thể thu hồi được các sản phẩm đó nên cơ quan chức năng cũng không có cơ sở để buộc họ phải thu hồi tất cả các clip, hình ảnh trên không gian mạng
Trả lời tình huống nếu ê-kíp của Sơn Tùng cố tình phát hành các MV này ở nước ngoài thì có vi phạm pháp luật hay không, luật sư Cường cho biết, trường hợp cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi sản phẩm vi phạm nhưng những người vi phạm cố tình không thực hiện thì sẽ tiếp tục bị xử phạt và áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính.
“Riêng hành vi đưa những thông tin trái pháp luật lên mạng xã hội thì cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức xử phạt có thể tới 60 triệu đồng”, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Điều 3 Nghị định này quy định các hành vi bị cấm trong biểu diễn nghệ thuật như sau:
1. Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
3. Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.
4. Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.".
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì những tác phẩm nghệ thuật "Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội" là những tác phẩm vi phạm điều cấm của pháp luật. Người vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp hành chính, phải chịu các chế tài của pháp luật.
Điều đáng chú ý là ca sĩ Sơn Tùng được giới trẻ rất hâm mộ, có nhiều "fan cuồng" là người chưa thành niên nên những tác phẩm, nội dung truyền tải nghệ thuật được giới trẻ tiếp nhận, đón nhận hào hứng, thậm chí có thể học theo, làm theo.
Trong khi đó, sau thời gian dịch bệnh và áp lực của việc học tập khiến nhiều em học sinh có những suy nghĩ và hành động tiêu cực, trong đó có những em đã tìm cách giải quyết bế tắc là tự tử rất đau lòng. Bởi vậy tác phẩm diễn ra vào thời điểm này là không phù hợp và có thể tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, đến tiêu chuẩn đạo đức xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý của thanh thiếu niên.
MV gây tranh cãi của Sơn Tùng: 'Trẻ đang tổn thương sẽ không đủ mạnh mẽ để nhận định được mọi vấn đề như người lớn'
Bà Phạm Thị Minh Hiền cho rằng hình ảnh trong MV mới của Sơn Tùng là một sản phẩm không nên được phát hành trong thời điểm hiện nay.
N. Huyền